Năm 2005 sẽ có hiệp hội tham gia phân bổ hạn ngạch |
Sau vụ tiêu cực, việc xét duyệt hồ sơ xin quota rất chậm, ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ giao hàng. Trưởng phòng Kế hoạch xuất nhập khẩu May 10 Phạm Thế Khang cho biết, nếu như trước kia nộp hồ sơ xin cấp quota xong chỉ 2-3 ngày, chậm nhất là 1 tuần doanh nghiệp nhận được câu trả lời, thì nay có hồ sơ đến 2 tháng vẫn chưa nhận được kết quả. Việc chậm trễ này khiến nhiều lô hàng của doanh nghiệp không xuất được. "Doanh nghiệp thường ký hợp đồng trước 3-6 tháng chứ không thể chờ có quota rồi mới làm, vì thế việc xét duyệt lâu như hiện nay ảnh hưởng rất lớn đến tình hình kinh doanh", ông Khang nói.
Ông Nguyễn Đức Hoan, Chủ tịch hiệp hội May và Thêu đan TP HCM cho rằng, Bộ trưởng Tuyển thừa nhận trách nhiệm của mình khi để xảy ra vụ tiêu cực phân bổ quota dệt may là rất đúng. Song nếu như sự việc này được xem xét sớm hơn theo đề nghị của doanh nghiệp có lẽ sẽ không xảy ra tình trạng đáng tiếc như hôm nay.
Theo ông Hoan, từ khi Mỹ bắt đầu áp phí hạn ngạch cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam (tháng 6/2003) đã có lộn xộn trong việc xét thưởng thành tích hạn ngạch. Lợi dụng thời cơ này một số đơn vị đã chạy chọt xin quota để được xuất đi Mỹ, do đó dẫn đến tình trạng xin - cho. Nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước biết trước tình trạng tiêu cực sẽ xảy ra nên đã kiến nghị Bộ Thương mại lấy ý kiến doanh nghiệp trước khi phân bổ, nhưng Bộ đã không đồng ý. Sau khi vụ tham nhũng bị phát hiện, Bộ Thương mại đã tích cực phân bổ hạn ngạch dựa vào điểm tốt, nhưng chưa thể khẳng định nó sẽ loại bỏ hết tiêu cực vì phân bổ quota năm 2003 không minh bạch kéo theo thành tích không đúng mà lại làm căn cứ để tính cho năm nay và năm sau.
Ông Nguyễn Văn Thuỷ, Giám đốc Công ty May Tân Phú Cường cho biết, năm 2003 hầu hết doanh nghiệp bị cắt thành tích từ tháng 1 đến tháng 4, chỉ áp dụng từ tháng 5 đến tháng 12. Trong khi đó, mùa xuất hàng lại từ tháng 10-11 năm trước đến tháng 4 năm sau khiến doanh nghiệp mất đi một số lượng lớn thành tích đã đạt được và ảnh hưởng đến nhiều năm sau. Trong phần chất vấn, Bộ trưởng Trương Đình Tuyển nhấn mạnh các sở địa phương phải chịu trách nhiệm về mặt quản lý, hỗ trợ cho Bộ là rất đúng. Song đối với phân bổ quota của đợt đi Mỹ vừa rồi, Bộ lại không tham khảo ý kiến hiệp hội - đơn vị có thể hỗ trợ kiểm tra, đưa ra nhận xét năng lực của từng doanh nghiệp.
Ông Thủy đồng tình với trả lời của Bộ trưởng về phân bổ quota cho năm 2005. Bộ trưởng đưa ra ý kiến là các nước vận hành theo cơ chế thị trường thì phải có vay, có mượn quota. Trong thời qua, có thông tin là năm 2005 không cho vay, cho chuyển nhượng hoặc mua bán dưới bất cứ hình thức nào khiến cho doanh nghiệp rất lo lắng. Vì nếu tất cả dồn về Bộ, đòi hỏi phân phối cho công bằng thì chắc chắn Bộ không làm được. Đây là thông tin tốt cho doanh nghiệp dệt may.
Ông Trần Quang Mỹ, Giám đốc Công ty May Sao Mai hy vọng, Bộ trưởng tham gia giám sát điều hành hạn ngạch sẽ công bằng hơn. "Năm ngoái thành tích của công ty tôi trên 40.000 tá, song cấp chưa đến 20.000. Tôi khiếu nại nhiều lần nhưng không được. Hướng phân bổ quota năm 2005 cho Hội dệt may tham gia và tổ phân bổ quota giám sát là rất minh bạch, công khai. Công ty tôi được phân bao nhiêu, còn bao nhiêu thì mình tự đi kiếm hàng, chứ không chạy chọt mua từng mấy nghìn tá", ông Mỹ tâm sự.
Theo dõi từ đầu đến cuối buổi chất vấn Bộ trưởng, giám đốc một công ty tư nhân ở TP HCM cũng cho rằng, Bộ Thương mại cần mời địa phương, Sở thương mại và các hiệp hội cùng kiểm tra xét duyệt thành tích, nhằm đảm bảo tính minh bạch trong việc phân bổ quota. Nếu không có con số thống kê, Bộ lấy số liệu của hải quan rồi vẫn cần kiểm duyệt lại.
Việt Phong - Thùy Vinh