Abdullah bin Abdulaziz, quốc vương của một trong các vương quốc Hồi giáo bảo thủ nhất thế giới, qua đời sáng nay tại bệnh viện ở tuổi 90. Trong suốt thời gian trị vì của mình, Quốc vương Abdullah nổi tiếng là một nhà cải cách thận trọng, một mặt duy trì mối quan hệ tốt đẹp với phương Tây, mặt khác tìm cách xoa dịu các luồng quan điểm đậm màu sắc tôn giáo tại quê nhà.
"Mặc dù trưởng thành với quan điểm truyền thống của đạo Hồi, ông vẫn được coi như một nhà cải cách và người ủng hộ cho tiến trình hòa bình ở Trung Đông", BBC đánh giá về Quốc vương Abdullah.
Quốc vương Abdullah được cho là sinh vào tháng 8/1924 tại thủ đô Riyadh. Ông là con thứ 13 trong 37 người con của quốc vương quá cố Abdul Aziz Al-Saud, người sáng lập nên vương quốc Arab Saudi hiện đại.
Thuở nhỏ, quốc vương tương lai được gửi đến sống tại nhà ngoại, vùng sa mạc thuộc quyền quản lý của tộc người Bedouin. Và ông được giáo dục theo cung cách truyền thống của triều đình Arab, với các bộ môn như tôn giáo, văn học và khoa học do các học giả Hồi giáo truyền thụ.
Theo New York Times, quan điểm giáo dục con cái của Quốc vương Abdul rất hà khắc. Ông từng có lần giam Abdullah ba ngày vì hoàng tử trẻ quên không nhường ghế cho khách.
Năm 1953, Quốc vương Abdul qua đời, người anh cùng cha khác mẹ của Abdullah là Saud kế vị ngai vàng. Nhưng 5 năm sau, Quốc vương Saud bị ép chuyển giao quyền điều hành chính phủ cho người em, là Hoàng thân Faisal.
Năm 1962, Faisal chỉ định Abdullah làm chỉ huy của Lực lượng Vệ binh Quốc gia, đơn vị được giao nhiệm vụ bảo vệ hoàng gia. Theo truyền thống, người đứng đầu của lực lượng này là một hoàng thân của gia tộc Saud.
Dưới sự lãnh đạo của Abdullah, lực lượng vệ binh được tăng cường quân số và trang bị các vũ khí tiên tiến. Năm 1964, ông đứng về phía Hoàng thân Faisal, ép Quốc vương Saud thoái vị. Cuối năm đó, Faisal lên ngôi quốc vương Arab Saudi.
Tháng 3/1975, Quốc vương Faisal bị một người cháu họ ám sát, Hoàng thân Khalid kế vị anh trai. Sau vụ ám sát, quốc vương mới vẫn để Abdullah đứng đầu lực lượng vệ binh và còn chỉ định ông làm phó thủ tướng thứ hai.
Tiếng tăm của Abdullah được truyền thông quốc tế biết đến nhiều hơn vào những năm 70 thế kỷ 20. Ông công khai chỉ trích chính sách của Mỹ tại Trung Đông và ủng hộ cho quan điểm thống nhất thế giới Arab.
Abdullah tin rằng sự đoàn kết của thế giới Arab sẽ khiến dầu mỏ và tiền bạc trở thành thứ vũ khí đáng gờm, chống lại sức mạnh của phương Tây. Năm 1980, ông thành công trong việc ngăn cản cuộc chiến giữa hai quốc gia Hồi giáo là Jordan và Syria, từ đó nâng cao uy tín cá nhân của mình trên chính trường Arab Saudi và giới ngoại giao quốc tế.
Năm 1982, Quốc vương Khalid qua đời. Tân vương Fahd đưa Abdullah lên làm phó thủ tướng thứ nhất và chỉ định ông làm thái tử, người kế vị tương lai của ngai vàng Arab Saudi.
Quyết định trên của Quốc vương Fahd vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của 7 người em ruột của ngài, bởi Abdullah chỉ là em cùng cha khác mẹ với nhà vua. Tuy nhiên, Abdullah đã đàm phán thành công với các thành viên hoàng gia khác, để bảo vệ địa vị thừa kế của mình.
Năm 1991, sau khi Iraq xâm chiếm quốc gia láng giềng Kuwait, Mỹ phát động cuộc chiến vùng Vịnh. Trước liên minh 30 nước chống Iraq được Liên Hợp Quốc phê chuẩn, Abdullah đành chấp thuận cho quân đội Mỹ đồn trú trên đất Arab Saudi. Tuy nhiên, ông tin rằng đàm phán với Saddam Hussein, lãnh đạo Iraq khi đó, là cách làm sáng suốt hơn phát động chiến tranh. Đề nghị này đã bị Quốc vương Fahd bác bỏ.
Tháng 11/1995, Quốc vương Fahd bị đột quỵ, Abdullah trở thành quan nhiếp chính, người trị vì trên thực tế của vương quốc. Tuy nhiên, quá trình chuyển giao quyền lực trên bị giữ kín cho đến tháng 1/1996 và dưới các áp lực trong nội bộ hoàng gia, Abdullah phải từ bỏ tước vị quan nhiếp chính, nhưng vẫn duy trì quyền lực thực tế. Trong suốt 10 năm nhiếp chính, Abdullah từ chối ký tất cả các văn bản chính thức nào dưới danh nghĩa cá nhân.
Mặc dù Mỹ được giới tinh hoa Arab Saudi đảm bảo rằng người cai trị mới sẽ duy trì mối quan hệ gần gũi với Washington, Hoàng thân Abdullah vẫn quyết tâm nắm thế chủ động trong quan hệ với nước đồng minh hùng mạnh này.
"Arab Saudi vẫn sẽ là bạn với Mỹ, nhưng chúng tôi không thể đặt lợi ích của họ lên trên lợi ích của bản thân", ông trả lời một tờ báo của Lebanon năm 1997. "Lợi ích của chúng tôi là của những người Arab và Hồi giáo ở khắp nơi".
Sau vụ khủng bố 11/9 tại New York năm 2001, Abdullah quyết định không tổ chức rầm rộ ngày lễ quốc khánh để tưởng nhớ các nạn nhân. Nhưng ông cũng công khai chỉ trích việc các hãng thông tấn quốc tế cáo buộc Arab Saudi phải chịu một phần trách nhiệm cho sự trỗi dậy của các tổ chức cực đoan.
Trong thời gian chuẩn bị cho cuộc chiến Afghanistan, Arab Saudi tuyên bố sẽ không cho phép không quân Mỹ thực hiện các cuộc không kích từ căn cứ Hoàng tử Sultan của nước này, nếu như Liên Hợp Quốc không thông qua được nghị quyết cho phép tiến hành chiến tranh.
Năm 2002, Liên đoàn Arab chấp nhận đề nghị của Abdullah nhằm châm dứt xung đột giữa Israel và thế giới Arab. Đề nghị này bao gồm các thỏa thuận hòa bình mà theo đó, Israel rút khỏi những vùng đất bị chiếm đóng trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967, cũng như sự ra đời của nhà nước Palestine độc lập.
Tuy nhiên, tổng thống Mỹ khi đó là George W. Bush từ chối xác nhận kế hoạch trên, khiến Abdullah tức giận mà cho rằng ông chủ Nhà Trắng không được báo cáo đầy đủ về các chi tiết của đề nghị hòa bình.
Năm 2003, sau một loạt vụ tấn công quân sự vào Arab Saudi, Abdullah ra lệnh giới nghiêm trên phạm vi lớn nhằm đảm bảo an ninh. Các đợt tấn công trên được thực hiện bởi các nhóm Hồi giáo cực đoan vốn bất mãn với chính sách thân phương Tây, cũng như những tuyên bố quét sạch chủ nghĩa khủng bố tại Arab Saudi của Abdullah.
Sau 10 năm nhiếp chính, tháng 8/2005, Hoàng thân Abdullah chính thức kế vị ngai vàng Arab Saudi, sau cái chết của Quốc vương Fahd. Sau khi lên ngôi, Quốc vương Abdullah xuất hiện trước công chúng với vai trò một nhà cải cách.
Một trong những quyết định đầu tiên của tân vương là xá tội cho hai người Libya bị buộc tội âm mưu ám sát ông. Ông cũng trả tự do cho ba học giả Arab Saudi, những người ngồi tù vì kêu gọi vương quốc thực hiện chế độ quân chủ lập hiến.
Trên vấn đề nữ quyền, Quốc vương Abdullah được cho là có quan điểm tiến bộ khi nói rằng phụ nữ nên được làm việc. "Tôi có niềm tin mạnh mẽ vào quyền của phụ nữ, bởi mẹ tôi, chị em gái tôi, con gái tôi và vợ tôi đều là phụ nữ", ông nói trong một lần phỏng vấn.
Từ năm 2011 đến 2012, Quốc vương Abdullah từng phải hai lần phẫu thuật vùng bụng. Tình trạng sức khỏe của ông ngày càng yếu đi. Từ cuối năm 2013, ông thường xuyên phải nhập viện vì bệnh viêm phổi, nên các hoạt động công khai đều do Thái tử Salman bin Abdul-Aziz Al Saud, em trai ông, thay mặt tham dự. |
Năm 2011, Quốc vương Abdullah mở rộng quyền bầu cử và ứng cử của phụ nữ. Đây được cho là bước tiến quan trọng nhất trong việc giải phóng nữ quyền tại Arab Saudi trong hàng chục năm qua.
Tuy nhiên, trong những năm cuối đời, mối quan tâm hàng đầu của Quốc vương Abdullah là việc duy trì ổn định của Arab Saudi và vị trí thống trị tối cao của gia tộc của Saud, trong bối cảnh cuộc Cách mạng Hoa nhài lan rộng tại thế giới Arab năm 2011.
Phát biểu trong lễ tuyên thệ nhậm chức thành viên mới của Hội nghị Shoura, cơ quan tư vấn hoàng gia, Quốc vương Abdullah tuyên bố tiến trình phát triển của Arab Saudi phải được tiến hành từng bước một. Trong tuyên bố gần đây nhất, Quốc vương nhấn mạnh tầm quan trọng của sự ổn định và an toàn mà Arab Saudi đang có, trong bối cảnh khu vực Trung Đông đầy bất ổn.
"Đối với Quốc vương Abdullah, điều quan trọng nhất là ổn định. Ông ấy căm ghét các hoạt động cách mạng cấp tiến, bởi nó từng gây ra bất ổn tại Iran năm 1979, rồi tại Ai Cập, Lybia và Tunisia hơn 30 năm sau", bình luận viên Ahmed Al Omran của Wall Street Journal nhận định.
Đức Dương