Thứ hai, 16/12/2024
Chủ nhật, 15/12/2024, 13:27 (GMT+7)

Quốc Tử Giám dưới triều Nguyễn trước lúc trùng tu

Thừa Thiên - HuếSau vụ cháy năm 2022, di tích Quốc Tử Giám nằm trong Kinh thành Huế trở nên hoang tàn, nhiều hạng mục bị sụp đổ.

Quốc Tử Giám Huế là một trong những biểu tượng văn hóa giáo dục của Việt Nam, được khởi dựng dưới thời vua Gia Long với tên gọi Đốc học đường tại An Ninh Thượng. Đến năm 1908, dưới thời vua Duy Tân, công trình này được di dời và xây dựng lại tại số 1 đường 23/8 bên trong Kinh thành Huế.

Sau chiến tranh, nơi đây trở thành Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế, lưu giữ và trưng bày gần 30.000 hiện vật quý giá. Tuy nhiên, để bảo tồn và phát huy giá trị di tích, Bảo tàng Lịch sử đã quyết định di dời các hiện vật về địa điểm mới tại 268 đường Điện Biên Phủ, nhường lại không gian cho Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế quản lý. Mới đây, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thông qua nghị quyết tăng ngân sách lên 108 tỷ đồng cho dự án bảo tồn, tôn tạo Quốc Tử Giám, với mục tiêu hoàn thành vào năm 2028.

Nằm chính giữa Quốc Tử Giám là công trình Di Luân đường với kiến trúc gỗ hai tầng. Công trình được xây dựng vào năm 1821 dưới thời vua Minh Mạng. Trải qua nhiều năm, nhiều hạng mục bên trong Di Luân đường đã xuống cấp, mục ruỗng. Những năm trước, đây là nơi trưng bày các hiện vật triều Nguyễn, hiện vật Chăm Pa, trong đó có hai bảo vật quốc gia là Bệ thờ Vân Trạch Hòa và Bộ chóp tháp Chăm Pa Linh Thái.

Theo kế hoạch, công trình Di Luân đường sẽ được hạ giải để tu bổ cục bộ.

Tấm bia đá Huỳnh Tự Thư Thanh đặt chính giữa sân trước mặt Di Luân đường. Trên bia khắc bài thơ của vua Thiệu Trị nói về cảnh đẹp trường Quốc Tử Giám nằm bên bờ sông Hương ở An Ninh Thượng, nay là phường Hương Hồ, TP Huế. Theo kế hoạch tu bổ Quốc Tử Giám, một nhà che bia sẽ được xây dựng để bảo vệ tấm bia đá.

Nằm bên phải Di Luân đường là dãy phòng học, từng được Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế trưng bày các hiện vật chiến tranh thời kỳ chống Pháp. Tháng 8/2022, công trình này bị cháy, làm hư hại nhiều hiện vật. Đơn vị quản lý phải căng dây cảnh báo khu vực nguy hiểm, cấm người ra vào.

Hệ thống tầng nhà của hành lang dãy phòng học nhếch nhác, nguy cơ đổ sập.

Bên trong khu vực từng trưng bày hiện vật chiến tranh thời kỳ chống Pháp bị cháy tháng 8/2022. Phần mái của công trình đã bị đổ sập.

Nằm bên trái Di Luân đường là dãy phòng học và cư xá - nơi ở của các giám sinh. Sau khi tiếp nhận vào năm 1976, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế dùng để trưng bày hiện vật thời kỳ chống Mỹ.

Vừa qua, các hiện vật đã được di dời về địa điểm mới tại 268 đường Điện Biên Phủ, phường Trường An.

Trải qua nhiều năm, cấu kiện gỗ phần mái bị mục ruỗng, đổ sập.

Hệ thống tầng nhà bằng gỗ bị bong tróc, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế phải dùng gỗ chằng chống tạm, giăng dây cảnh báo khu vực nguy hiểm.

Bia Thị Học Quốc Tử Giám của vua Tự Đức đặt trước Quốc Tử Giám vào năm 1854 vẫn còn nguyên vẹn. Nội dung tấm bia khắc bài văn của vua Tự Đức để răn dạy và khuyến khích sinh viên học hành.

Trong khuôn viên Quốc Tử Giám phía đường Đoàn Thị Điểm có nhiều hộ dân sinh sống. Chính quyền TP Huế đang tổ chức di dời các hộ dân ra khỏi khu di tích.

Ông Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế, cho biết tất cả hiện vật tại Quốc Tử Giám đã được đơn vị vận chuyển về trụ sở mới. Ngày 31/12, đơn vị sẽ bàn giao di tích Quốc Tử Giám cho Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế quản lý và tiến hành trùng tu, tu bổ.

Võ Thạnh