Ngày 10/12, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế thông qua nghị quyết điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án bảo tồn, tôn tạo di tích Quốc Tử Giám, nâng tổng kinh phí thực hiện dự án từ 66 lên 108 tỷ đồng, thời gian từ nay đến 2028.
Các công trình trong Quốc Tử Giám như Di Luân đường, hai nhà học tả hữu, hai nhà ở của các giám sinh sẽ được bảo tồn, nâng cấp. Trong đó, công trình chính là Di Luân đường chuyển từ tu bổ cục bộ sang tu bổ tổng thể (hạ giải). Nhà che bia Huỳnh Tự Thư Thanh và nội thất của các công trình sẽ được trùng tu. Tổng kinh phí thực hiện dự án tăng 48 tỷ đồng so với nghị quyết HĐND tháng 10/2021.
Quốc Tử Giám được nhà Nguyễn xây dựng dưới thời vua Gia Long, tên gọi Đốc học đường, tại An Ninh Thượng, nay là phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà để đào tạo nhân tài cho đất nước. Năm 1908, vua Duy Tân nhận thấy vị trí Quốc Tử Giám đặt tại An Ninh Thượng cách xa kinh thành nên dời về bên trong kinh thành Huế như hiện nay, tại số 1 đường 23 tháng 8.
Năm 1976, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế sử dụng Quốc Tử Giám làm trụ sở trưng bày gần 30.000 hiện vật. Tháng 8/2022, khu vực trưng bày các hiện vật thời kháng chiến chống Pháp tại Quốc Tử Giám bị cháy, phần mái bị hư hại.
Vừa qua, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế đã di dời các hiện vật khỏi Quốc Tử Giám về địa điểm mới tại 268 đường Điện Biên Phủ để bàn giao di tích cho Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế quản lý.
Võ Thạnh