Trong một thông báo hôm qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama hoan nghênh thỏa thuận mà Nga và Mỹ đạt được ở Geneva. Tuy nhiên, ông cảnh báo nếu chính quyền Bashar al-Assad không thực hiện các nội dung trong thỏa thuận, Mỹ vẫn sẽ sẵn sàng để hành động.
Ông nhấn mạnh rằng vẫn còn nhiều việc cần làm, dù các bên đã đạt được những tiến bộ quan trọng. "Mỹ vẫn sẽ tiếp tục làm việc với Nga, Anh, Pháp, Liên Hợp Quốc (LHQ), và những nước khác để đảm bảo quá trình này và sẽ có những biện pháp ứng phó nếu chính quyền Assad không thực thi khung thỏa thuận hôm nay", AFP dẫn lời ông nói.
Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon thì cho rằng, thỏa thuận quan trọng trên phải là cơ sở để chấm dứt "nỗi thống khổ" của người Syria. Ông Ban cũng cam kết LHQ sẽ hỗ trợ thực thi thỏa thuận này.
Liên minh châu Âu (EU) hôm qua cũng đón nhận thỏa thuận về loại bỏ vũ khí hóa học ở Syria một cách tích cực, và đề nghị hỗ trợ việc thực hiện thỏa thuận này.
"Một số nước thành viên EU có kiến thức kỹ thuật cần thiết để hỗ trợ cho việc bảo vệ các kho vũ khí, tháo dỡ và phá hủy các chất độc hóa học. Họ sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp và quan trọng này", đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU, bà Catherine Ashton nói.
Trong khi đó, Pháp gọi thỏa thuận trên là một bước đột phá. Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius gọi kế hoạch trên là một bước tiến đầy ý nghĩa.
Ngoại trưởng Anh William Hague cũng hoan nghênh thỏa thuận Mỹ-Nga về tiêu hủy vũ khí hóa học của Syria và nói rằng cần nhanh chóng thực thi thảo thuận này.
Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle tuyên bố thỏa thuận đạt được giữa Moscow và Washington có thể tạo ra cơ hội mới cho một giải pháp chính trị nhằm chấm dứt cuộc xung đột ở Syria.
Iran, đồng minh thân cận của Syria, lên tiếng cho rằng hiện tại, Mỹ và một số nước khác đã không còn cớ gì để tấn công vào Damascus.
Thỏa thuận về phá hủy kho vũ khí hóa học ở Syria được thông qua sau ba ngày đàm phán giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ở Geneva, Thụy Sĩ.
Theo đó, Syria có một tuần để cung cấp chi tiết về kho vũ khí trên và phải cho các thanh sát viên quốc tế tiếp cận tự do các cơ sở chứa vũ khí. Mục tiêu của thỏa thuận là số vũ khí hủy diệt hàng loạt ở Syria sẽ bị phá hủy hoàn toàn vào giữa năm sau.
Thỏa thuận này cũng sẽ được tóm lược vào một nghị quyết LHQ trong chương VII của Hiến chương LHQ, cho phép sử dụng vũ lực để đảm bảo sự thi hành của Syria.
Anh Ngọc