Trong quá trình theo đuổi một giải pháp ngoại giao để giải quyết cuộc khủng hoảng Syria, Nga đề nghị Syria từ bỏ vũ khí hóa học để tránh cuộc tấn công quân sự của Mỹ. Nhưng ngay cả khi Syria cho phép các thanh sát viên làm nhiệm vụ của họ, quá trình tìm kiếm và tiêu hủy toàn bộ vũ khí hóa học ở quốc gia Trung Đông này không hoàn toàn dễ dàng.
Nga và Mỹ là hai quốc gia hiểu rõ điều này nhất. Chính phủ hai nước này từng dành 16 năm tiêu hủy vũ khí hóa học theo một điều khoản của hiệp ước cấm sử dụng. Syria không tham gia hiệp ước này và tranh thủ khoảng thời gian trên để phát triển kho vũ khí hóa học của mình. Theo ước tính, hiện tại Syria sở hữu khoảng 1.000 tấn chất độc hóa học.
"Hầu hết các chuyên gia đều đánh giá Syria là một siêu cường về vũ khí hóa học", CBS News dẫn lời Steve Bucci, người tham gia lực lượng đặc biệt theo dõi vũ khí hóa học của Syria cho biết.
"Họ sở hữu rất nhiều chất độc hóa học. Chúng được vũ khí hóa và trở nên vô cùng nguy hiểm chứ không đơn thuần chỉ nằm trong phòng thí nghiệm hoặc các địa điểm lưu trữ. Chúng được đưa vào đạn pháo, đầu đạn tên lửa và các loại vũ khí có thể thả từ trên không", ông nói thêm.
Mỹ đã chi 26,5 tỷ USD để xây dựng lò tiêu hủy tại 8 bang và trên một hòn đảo hẻo lánh ở Thái Bình Dương, nơi vũ khí hóa học được lưu trữ. Tính đến nay, 27.000 tấn hóa chất đã được tiêu hủy. Với trường hợp của Syria, sẽ phải mất khoảng một tỷ USD mới tiêu hủy hết kho vũ khí hóa học của quốc gia này.
Lầu Năm Góc nắm rõ tình hình vũ khí hóa học của Mỹ, nhưng với Syria thì không. "Tôi có thể nói rằng sự hiểu biết của chúng ta hiện nay về các loại vũ khí hóa học ở Syria còn rất ít", ông Bucci nói.
Nguyễn Tâm