Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, quốc lộ 1 đoạn qua Quảng Nam có 4 vị trí (từ Km982+100 đến Km 1027+00) dài khoảng 8 km bị nước tràn, mặt đường ngập sâu khoảng 80 cm từ sáng đến chiều nay (24/10). Hiện nước rút chậm.
Lực lượng chức năng phân luồng xe hướng Bắc Nam theo đường tỉnh 609 lên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Các phương tiện đi hướng Nam Bắc theo quốc lộ 40B lên cao tốc.
Quốc lộ 1 đoạn qua Quảng Ngãi cũng bị ngập sâu 60 cm (từ Km1029+650 đến Km1030+100), chiều dài ngập 750 m.
Xe đi từ Nam ra Bắc qua Quảng Ngãi được phân luồng rẽ phải xuống Dung Quất, đi theo đường Dốc Sỏi - Dung Quất lên quốc lộ 1; xe từ Bắc vào Nam đi ngược lại.
Tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, tại Km76+700 bên trái tuyến đã bị sạt lở, gây ách tắc giao thông. Xe đi theo hướng Nam ra Bắc được phân luồng hướng trạm Chu Lai đi quốc lộ 1 để tiếp tục hành trình. Xe từ Bắc vào Nam vẫn lưu thông bên phải tuyến bình thường.
Đường Trường Sơn Đông đoạn qua Quảng Ngãi tại cầu Nước Bua (Km144+904) bị xói lở 1/3 đường tránh tạm. Hiện lực lượng chức năng cho phép các xe máy và xe con lưu thông trên tuyến chính cầu Nước Bua.
Bình Định, cầu Ngô La tại Km13+100 quốc lộ 19C bị xói lở đầu cầu 10 m, các lực lượng đã khắc phục nên thông xe lúc 15h20.
Thanh Hóa, tại Km85+620 quốc lộ 15C (huyện Mường Lát) xảy ra sạt lở làm tắc đường, hiện đoạn đường được thông xe tạm.
Trên tuyến đường sắt, từ sáng 24/10, nhiều đoạn tại khu gian Núi Thành (Quảng Nam) - Trị Bình (Quảng Ngãi) bị sạt lở mái taluy nền đường do nước chảy xiết, dâng cao, có đoạn nền đường bị cuốn trôi dài 200 m.
Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, một số đoạn trên cung đường sắt qua Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng bị đất đá trên mái taluy dương tràn xuống lấp rãnh dọc đường sắt, gây đọng nước, đơn vị đã khai thông rãnh để chạy tàu.
Các đơn vị ngành đường sắt huy động nhân lực chốt trực tại các vị trí nền đường xung yếu và huy động 80 lao động, sử dụng 500 m3 đá hộc, 400 m3 đá dăm, 200 tà vẹt gỗ, 100 rọ thép xử lý nền đường sau khi nước rút.
Sự cố đã khiến ngành đường sắt phải tạm dừng lưu thông một số đoàn tàu khách Bắc Nam, tàu hàng tại các ga dọc đường để chờ thông đường; hàng nghìn hành khách trên các đoàn tàu SE8, SE22, SE7, SE5, SE6 được trung chuyển bằng đường bộ qua vùng ngập để tiếp tục hành trình.
Đến 20h ngày 24/10, đường sắt Bắc Nam đoạn qua Quảng Nam - Quảng Ngãi đã thông tuyến, tàu chạy tốc độ chậm 5 km/h.
Mưa lũ trong hai ngày qua khiến gần 11.000 ngôi nhà ở Quảng Ngãi ngập từ 30 cm đến 2,5 m; Quảng Nam có trên 5.300 nhà ngập từ 20 cm đến 1,5 m.
Nhà chức trách Quảng Ngãi thông tin trong số các địa bàn nước lũ dâng cao, huyện Bình Sơn bị ảnh hưởng nặng nhất với 6.500 nhà. Chính quyền đã di dời, sơ tán 1.370 hộ dân với 4.541 người đến nơi an toàn.
Tại Quảng Nam hai ngày qua hơn 5.300 căn nhà với trên 20.200 nhân khẩu bị ngập; chính quyền địa phương sơ tán 779 hộ dân, khoảng 2.530 người. Mưa lũ khiến một người đàn ông 36 tuổi ở xã Tam Dân, huyện Phú Ninh, mất tích khi đi qua đoạn ngập nước trên quốc lộ 1A (xã Tam Đàn) vào tối 23/10.
Ảnh hưởng không khí lạnh tăng cường kết hợp hoạt động của đới gió Đông trên cao khiến nhiều tỉnh miền Trung mưa to. Lượng mưa ngày từ ngày 22 đến 23/10 các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định phổ biến từ 100 đến 400 mm, riêng Quảng Nam và Quảng Ngãi có nơi 600 mm.
Lượng mưa từ đêm 23 đến sáng 24/10 ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên phổ biến từ 60 đến 100 mm; một số trạm có lượng mưa lớn như Tam Trà (Quảng Nam) 252 mm; Trà Hiệp (Quảng Ngãi) 160 mm; Trà Phú (Quảng Ngãi) 155 mm; An Chấn (Phú Yên) 109 mm.
Phạm Linh - Đắc Thành - Đoàn Loan