Các đại biểu cùng đặt bút ký vào thư. |
Tất cả các đại biểu tham dự cuộc họp đều rất bất bình trước phán quyết sơ bộ của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đối với tôm Việt Nam và yêu cầu Quốc hội cần bày tỏ thái độ phản ứng mạnh mẽ hơn nữa về vụ việc này, nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của bà con ngư dân nuôi tôm cũng như người dân trong cả nước. Đại biểu Đà Nẵng Nguyễn Thị Vân Lan cho biết, vụ kiện tôm đã làm thu hẹp diện tích nuôi tại địa phương từ 400 ha xuống còn 240 ha, đồng thời làm giảm 20-30% giá bán sản phẩm của bà con ngư dân.
Một số đại biểu cũng thừa nhận, bản thân mình cũng phải nêu cao tinh thần trách nhiệm hơn nữa nhằm tìm hiểu tác động của vụ kiện cũng như đề xuất những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho cử tri tại địa phương mình. Đáng chú ý là các đại biểu ở Sóc Trăng, Bến Tre, An Giang, những vựa tôm của cả nước còn đề nghị phải xây dựng chiến lược nuôi tôm, quy hoạch vùng nuôi để từ đó có thể đầu tư hiệu quả cho ngành hàng này. Tạm thời trong thời gian trước mắt, có thể thương thuyết với các ngân hàng chia sẻ khó khăn cho gia hạn nợ. Các đại biểu cũng đề nghị chính phủ và các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh tiên độ gia nhập WTO để giảm bớt thiệt thòi cho các sản phẩm Việt Nam khi tham gia thị trường thế giới, đồng thời cũng cho phép doanh nghiệp và người dân kiện lại những điều bất công, phi lý.
Ông Ramesh Khadka. |
Đại diện cho tổ chức phi chính phủ ActionAid Việt Nam, ông Ramesh Khadka cho rằng, vụ kiện tôm không chỉ là vấn đề mang tính kinh tế đơn thuần, mà còn là câu chuyện chính trị, ngoại giao giữa các cán bộ cao cấp của Việt Nam và chính phủ Mỹ, vì vậy cần thiết phải có tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa để các nhà lập pháp Mỹ phải cân nhắc trong những lần ra phán quyết tiếp theo. Theo ông Khadka, có thể Việt Nam nên tạo điều kiện cho các nghị sĩ Mỹ sang thăm và tìm hiểu tình hình thực tế về nghề nuôi trồng, chế biến tôm, cung cấp thêm thông tin cho họ để họ hiểu hơn về lẽ phải của Việt Nam.
Cuối cuộc họp, tất cả các đại biểu tham dự đã cùng đặt bút ký vào lá thư gửi các nghị sĩ Mỹ nhằm kêu gọi sự cảm thông, chia sẻ với những khó khăn của ngành tôm Việt Nam, đồng thời phản ứng mạnh mẽ trước phán quyết bất công của DOC. Lá thư của các đại biểu Quốc hội nêu rõ, đơn kiện và biên độ thuế bán phá giá mà phía Mỹ vừa tuyên bố với tôm Việt Nam (12,11-93,13%) hoàn toàn bất công và không khách quan, không phản ánh thực trạng quá trình nuôi, chế biến và kinh doanh tôm ở Việt Nam. Ngư dân nơi đây không hề bán phá giá tôm vào thị trường Mỹ và không gây thiệt hại về vật chất tới ngành công nghiệp tôm nước Mỹ. Tôm của Việt Nam có giá cạnh tranh và chất lượng tốt là do rất nhiều điều kiện thuận lợi như kỹ thuật tiên tiến, chi phí lao động thấp và điều kiện tự nhiên thuận lợi. Các đại biểu Quốc hội cũng khẳng định một lần nữa rằng ngành tôm Việt Nam không có sự bao cấp của chính phủ, người dân và nhà xuất khẩu hoạt động hoàn toàn theo cơ chế kinh tế thị trường.
"Chúng tôi hiểu rằng, ngành công nghiệp tôm của Mỹ đang gặp rất nhiều khó khăn nhưng Liên minh tôm Miền Nam - SSA không nên đổ lỗi những khó khăn này do tôm nhập khẩu gây ra. Chúng tôi tin tưởng rằng thuế chống phá giá sẽ không cải thiện điều kiện kinh tế của ngành công nghiệp tôm Miền Nam nước Mỹ mà, ngược lại, nó sẽ gây ra tác động tiêu cực tới người tiêu dùng Mỹ, làm cho rất nhiều người Mỹ mất việc làm - những công việc có được do nhập khẩu tôm", các đại biểu nhấn mạnh trong thư.
Theo các đại biểu, phán quyết sơ bộ của Bộ Thương mại Mỹ - DOC cũng trực tiếp đe doạ cuộc sống của hàng triệu người nuôi tôm Việt Nam, những người làm việc chăm chỉ dựa trên những nguồn lực của bản thân họ. "Chúng tôi mong rằng trong cuộc điều tra của mình, Bộ Thương mại Mỹ xem xét đúng thực tế thị trường tự do ở Việt Nam và những thông tin về lợi thế cạnh tranh của những sản phẩm tôm Việt Nam. Do đó, chúng tôi kêu gọi quý ngài và các nghị sĩ khác hãy có những hành động tác động ngay lập tức tới DOC và Uỷ ban Hiệp Thương Quốc Tế (USITC) thực hiện các hoạt động điều tra tiếp theo một cách khách quan, không thiên vị và không áp đặt, góp phần tránh làm tổn hại tới nguyên tắc không phân biệt đối xử đã được ghi nhận trang trọng trong Hiệp Định Song phương Việt - Mỹ và không đi ngược lại xu thế tích cực trong buôn bán thương mại song phương giữa hai nước chúng ta", lá thư viết.
Hôm nay, lá thư này sẽ được mang tới phiên họp chuyên trách của các đại biểu Quốc hội để tiếp tục lấy thêm chữ ký.
Song Linh
Ảnh: Anh Tuấn