Nghi ngờ năng lực của ACV
Sáng 12/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành. Đại biểu Nguyễn Lâm Thành nhất trí dùng vốn đầu tư doanh nghiệp trong nước kết hợp với xã hội hoá dưới hình thức công tư. Tuy nhiên, ông nêu hiện chỉ có 8 trong 21 sân bay nội địa thu đủ chi và có lãi, tức là 13 sân bay còn lại vẫn phải bù lỗ và chưa thể góp nguồn vốn cho ACV trong tương lai gần. Do đó, theo ông, tờ trình Chính phủ nói, chỉ ACV đủ năng lực huy động thực hiện là chưa chính xác.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội |
Đồng thời, ông đề nghị làm rõ việc huy động vốn 11 tỷ USD để làm sân bay Long Thành giai đoạn tiếp theo. "Nếu không thu xếp được, việc triển khai có thể chậm tiến độ, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế", ông nói.
Nhiều đại biểu khác cũng không đồng tình việc Chính phủ đề xuất giao ACV làm chủ đầu tư 3 trong 4 hạng mục chính. Ông Tạ Văn Hạ nghi ngờ về nhận định, ACV là doanh nghiệp nổi trội với các hạng mục như hai tuyến đường kết nối sân bay và các dịch vụ hàng không để được chỉ định thầu.
Đại biểu Hoàng Văn Cường phân tích, giao ACV tiết kiệm được 1,5 năm đấu thầu, "nhưng chưa chắc rút ngắn toàn bộ quá trình đầu tư ". Nếu tư nhân đầu tư thì sẽ không mất khoảng thời gian này đấu thầu các hạng mục nhỏ.
Đại biểu Hoàng Văn Cường. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội |
Đồng thời, ông Cường thấy "chưa thể khẳng định chỉ có ACV mới có kinh nghiệm". Theo ông có nhiều dự án và tư nhân chưa có kinh nghiệm vẫn thành công, điển hình là sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh). Hơn nữa, ông Cường nhấn mạnh, giao ACV chưa chắc là phương án huy động vốn tốt nhất, vì đơn vị này chỉ đảm bảo được 1/3, còn 2/3 phải đi vay.
"Nhà nước không phải đứng ra bảo lãnh nhưng nếu xảy ra rủi ro thì vẫn phải gánh chịu bởi đây là một doanh nghiệp nhà nước. Trong khi đó, nhiều tập đoàn tư nhân có tiềm lực vốn lớn luôn luôn sẵn sàng", ông Cường phát biểu.
Ông cũng kêu gọi các tập đoàn tư nhân có năng lực, hợp tác với nhau, trong đó ACV là hạt nhân để hình thành tổ hợp đầu tư xây dựng sân bay Long Thành.
Đáp lại những băn khoăn của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, hiện ACV có khoảng 25.000 tỷ đồng và "khoản tiền này không đầu tư bất cứ việc gì và chỉ tập trung cho sân bay Long Thành". Dù chỉ 8 sân bay có lãi trong 21 sân bay đang quản lý, nhưng mỗi năm ACV lợi nhuận 10.000 tỷ đồng. Vì vậy, ACV có nguồn vốn chiếm 37% để đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1. ACV cũng đã làm việc với 12 tổ chức trong và ngoài nước và được hứa sẵn sàng cho vay 5 tỷ USD không thế chấp.
Lo ngại nợ công
Đồng tình với những băn khoăn trên, đại biểu Mai Sỹ Diến lo ngại nếu giao ACV có thể ảnh hưởng tới nợ công. "ACV là doanh nghiệp do nhà nước chi phối, nên huy động dưới bất cứ hình thức nào thì nhà nước vẫn có trách nhiệm nếu có rủi ro. Do đó, cần giám sát chặt chẽ", ông Diến nói.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành tỉnh Lạng Sơn còn yêu cầu so sánh tổng mức đầu tư Long Thành với các sân bay quốc tế khác. Ông dẫn chứng, sân bay Đại Hưng (Trung Quốc) khánh thành năm 2019, thiết kế 7 đường băng, công suất 100 triệu hành khách, 4 triệu tấn hàng hoá, vốn đầu tư chỉ 11,5 tỷ USD. Sân bay Istanbul - Thổ Nhĩ Kỳ thiết kế 4 đường băng, công suất 90 triệu lượt hành khách, vốn đầu tư chỉ có 12 tỷ USD. Trong khi đó, sân bay Long Thành chỉ có 2 đường băng, 100 triệu lượt hành khách, 5 triệu tấn hàng hóa mà vốn đầu tư là 16 tỷ USD.
Ông Mai Sỹ Diến cũng cho rằng chưa có cơ sở để Quốc hội ra nghị quyết là tổng mức đầu tư dự án không được vượt 111.000 tỷ đồng khi Hội đồng thẩm định quốc gia chưa kết luận. Hơn nữa, ngày 7/10, Chính phủ mới ban hành tờ trình dự án, Quốc hội chỉ có 10 ngày thì không đủ để nghiên cứu kỹ hồ sơ báo cáo khả thi.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng cảnh báo, Long Thành là dự án có ý nghĩa hệ trọng với an toàn kinh tế, an ninh, quốc phòng của đất nước trong thế kỷ 21."Dự án này nếu làm không tốt, nó sẽ đè nặng lên đôi cánh phát triển của đất nước như một số dự án trùm mền, đắp chiếu đang tồn tại", ông nói.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội |
Ông cũng nêu quan điểm, nếu làm dự án này, cần tăng nợ công thì vẫn nên tăng. "Nếu có chủ trương hợp lý, minh bạch, tạo được niềm tin thì hoàn toàn có thể huy động vốn nhàn rỗi rất lớn của người dân ở trong nước và hải ngoại", ông Trương Trọng Nghĩa đề xuất.
Khác với những ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng tin tưởng ACV có thể làm sân bay Long Thành tốt hơn doanh nghiệp tư nhân, bởi "có nguồn lực và sự chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ". Ông Hồng nhấn mạnh "nếu cần thiết vẫn phải dùng nợ công và tăng nợ công để đầu tư sân bay Long Thành". Ông đề xuất, Chính phủ thành lập Uỷ ban quốc gia xây sân bay Long Thành, do Phó thủ tướng đứng đầu trực tiếp chỉ đạo, ACV là hạt nhân đầu tư.
Trả lời các đại biểu sau đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói, Hội đồng nghiệm thu nhà nước đã thuê tư vấn nước ngoài để thẩm tra độc lập dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1. "Chúng tôi sẽ tham mưu với Chính phủ, cố gắng huy động các nguồn lực trong nước sau đó mới tiếp cận thêm các tổ chức nước ngoài để làm sao hiệu quả xã hội cho đất nước tốt nhất", ông Thể nói.
Sân bay Long Thành có tổng mức đầu tư 336.630 tỷ đồng (tương đương 16 tỷ USD). Chính phủ trình Quốc hội, giai đoạn 1 dự án sân bay Long Thành gồm 4 hạng mục.
Hạng mục 1 (các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước): Giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư, sau đó cho các cơ quan quản lý nhà nước thuê lại.
Hạng mục 2 (các công trình phục vụ quản lý bay): Giao Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp.
Hạng mục 3 (các công trình thiết yếu của cảng hàng không): Giao ACV trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp.
Hạng mục 4 (các công trình dịch vụ): Giao ACV hợp tác đầu tư, nhượng quyền đầu tư, khai thác hoặc xã hội hóa đầu tư. Hình thức đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư.