9h ngày 22/5, gần 500 đại biểu bước vào kỳ họp giữa năm tại hội trường Diên Hồng - Nhà Quốc hội.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, kỳ họp lần này có khối lượng công việc lớn, nhiều nội dung quan trọng. "Với tinh thần đoàn kết, sáng tạo và hành động vì lợi ích nhân dân, Quốc hội sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, tăng cường tính tranh luận, đối thoại và giải trình để nâng cao chất lượng các phiên họp", bà Ngân nói.
Trước giờ khai mạc, Quốc hội họp trù bị, thông qua chương trình làm việc và nghe thông báo việc cho thôi nhiệm vụ đại biểu với Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam Võ Kim Cự vì lý do sức khoẻ.
Cũng về công tác đại biểu, Ủy ban thường vụ Quốc hội mới đây đã đồng ý cho Phó ban Kinh tế trung ương Đinh La Thăng chuyển sinh hoạt từ đoàn đại biểu TP HCM về Thanh Hoá.
Trong phiên làm việc sáng nay, Quốc hội nghe Phó thủ tướng Trương Hòa Bình báo cáo tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016, những tháng đầu năm 2017.
Theo Uỷ ban kinh tế, tăng trưởng của quý I/2017 ước tính tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng trưởng thấp nhất so với những năm gần đây. Nguyên nhân chủ yếu là do khu vực công nghiệp - xây dựng giảm so với cùng kỳ, trong đó các nhóm ngành công nghiệp chế biến - chế tạo, khai khoáng, điện tử, máy tính, xây dựng đều sụt giảm, thậm chí giảm sâu so với cùng kỳ và tổng cầu gặp khó khăn.
Để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,7%, các quý còn lại phải tăng trung bình trên 7%, nhưng với điều kiện và tình hình thực tế năm 2017 thì mục tiêu này rất khó thực hiện, khả năng chỉ đạt khoảng 6,3-6,5%.
Tiếp theo chương trình, Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân.
Chiều cùng ngày, các vấn đề liên quan đến ngân sách, xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng... sẽ được trình Quốc hội.
Theo Phó tổng thư ký Quốc hội Lê Bộ Lĩnh, khoảng 60% thời gian kỳ họp sẽ dành cho nội dung lập pháp. Cụ thể, Quốc hội dành khoảng 13,5 ngày xem xét, thông qua 13 dự luật, 5 dự thảo nghị quyết. So với kỳ họp trước, số lượng dự luật được thông qua tăng 9, số dự thảo nghị quyết tăng 4.
Các dự luật được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này gồm: Đường sắt (sửa đổi); Quản lý ngoại thương; Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi); Thủy lợi; Chuyển giao công nghệ (sửa đổi); Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); Cảnh vệ; Du lịch (sửa đổi); Trợ giúp pháp lý (sửa đổi); Quy hoạch; Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự.
Quốc hội cũng cho ý kiến 5 dự luật: Quản lý nợ công (sửa đổi); Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi); Thủy sản (sửa đổi); Tố cáo (sửa đổi); Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng... Ngoài ra, Quốc hội dành khoảng 6,5 ngày để xem xét các báo cáo khác của Chính phủ.
Tại kỳ họp giữa năm này, lần đầu tiên Quốc hội dành 3 ngày làm việc để tổ chức hoạt động chất vấn. Trong phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 17/5, Chủ tịch Quốc hội cho hay sẽ đề nghị Thủ tướng cùng trả lời chất vấn với các Phó thủ tướng, hoạt động lần đầu tiên diễn ra vào kỳ họp giữa năm (theo thông lệ, Thủ tướng chỉ trả lời chất vấn trong kỳ họp cuối năm).
Dự kiến kỳ họp thứ 3 bế mạc vào ngày 21/6.
Tổng số đại biểu trúng cử Quốc hội khóa 14 là 496 người. Tuy nhiên, sau đó Hội đồng bầu cử quốc gia đã bỏ phiếu kín không công nhận tư cách đại biểu của ông Trịnh Xuân Thanh (nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang) do có dấu hiệu vi phạm và bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường do không đủ tiêu chuẩn và cá nhân có đơn xin rút. Ngoài ra, có 2 đại biểu đã qua đời. Với việc ông Võ Kim Cự thôi nhiệm vụ, hiện tổng số đại biểu Quốc hội khóa 14 là 491. |
Võ Hải