Chiều 19/5, tại cuộc họp báo về kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá 14, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã trả lời một số câu hỏi liên quan đến việc cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội đối với ông Võ Kim Cự (Chủ tịch liên minh hợp tác xã Việt Nam).
Theo ông Phúc, sau khi có thông báo kỷ luật của Uỷ ban kiểm tra Trung ương, ông Võ Kim Cự làm đơn xin thôi làm đại biểu và Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã nhất trí thông qua. “Đây là lý do sức khỏe, nay khỏe mai yếu là chuyện bình thường”, Tổng thư ký Quốc hội nói.
Trả lời câu hỏi, với những vi phạm, khuyết điểm của ông Võ Kim Cự đã được cơ quan chức năng chỉ ra, tại sao Quốc hội không bãi nhiệm ông này mà chấp thuận đơn xin thôi làm đại biểu, ông Phúc nói: “Ông Võ Kim Cự thôi chức Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh vào tháng 10/2015. Lúc đó chưa xảy ra vấn đề gì, khí thế đang bừng bừng vì mời được một doanh nghiệp lớn về địa phương, nhất là tỉnh nghèo không phải dễ”.
Tổng thư ký Quốc hội thông tin thêm, cuối 2015 ông Cự ra Hà Nội làm Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, hiện tượng cá chết xảy ra vào tháng 4/2016. Thời điểm diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội khoá 14 (ngày 22/5/2016), nguyên nhân cá chết chưa được xác định; 2 tháng sau bầu cử, cơ quan chức năng mới xác định nguyên nhân do Formosa.
“Ông Cự được bầu tại Hà Tĩnh với kết quả 75%, như vậy tỷ lệ rất cao. Lúc đó Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam giới thiệu ông vào Quốc hội với cương vị Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam, một thành viên của MTTQ, chứ không phải ông bị kỷ luật rồi mà vẫn giới thiệu”, ông Phúc nói.
Về việc chuyển đoàn đại biểu của ông Đinh La Thăng (Phó trưởng ban kinh tế Trung ương), Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, theo nguyện vọng của ông Thăng và đoàn đại biểu tỉnh Thanh Hóa cũng đồng ý, nên Uỷ ban thường vụ Quốc hội nhất trí cho ông Thăng chuyển từ TP HCM về sinh hoạt tại đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa.
Ông Lê Bộ Lĩnh, Phó tổng thư ký Quốc hội cho hay kỳ họp thứ 3 của Quốc hội sẽ làm việc trong thời gian 22,5 ngày (khai mạc ngày 22/5 bế mạc vào ngày 21/6); xem xét, thông qua 13 dự án luật, 5 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 5 dự án luật khác. Lần đầu tiên tại kỳ họp Quốc hội giữa năm, thời gian dành cho nội dung chất vấn tăng từ 2,5 ngày lên 3 ngày. |
Võ Hải