Chương trình kỳ họp thứ 9 được Quốc hội xem xét thông qua tại phiên họp trù bị ngày 20/6 đã bổ sung nội dung về tình hình biển Đông. Theo đó, dự kiến chiều 5/6, Quốc hội sẽ có phiên họp riêng nghe báo cáo về nội dung này.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 21/5, ông Nguyễn Kim Khoa, Chủ nhiệm Ủy ban An ninh quốc phòng cho rằng, Trung Quốc đưa ra quy định cấm đánh bắt cá ở biển Đông là hoàn toàn vô lý, không có giá trị với Việt Nam. “Ngư trường đó thuộc chủ quyền, lãnh thổ của Việt Nam. Do vậy, chúng ta phải tuyên truyền cho ngư dân được biết để họ tổ chức đánh bắt cá bình thường”, ông Khoa nhấn mạnh.
Cũng nói về biển Đông, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương (nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) cho rằng, những khu vực thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông, ngư dân có quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên kể cả dưới nước lẫn mặt biển.
Trước việc Trung Quốc cải tạo trái phép các bãi đá, bãi cạn ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Thượng tướng Rinh cho rằng, Trung Quốc đã vi phạm Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc và vi phạm Tuyên bố về Ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC). Cả hai văn bản này đều có điều khoản quy định, trong quá trình chờ đợi giải quyết tranh chấp, không một bên nào được làm thay đổi hiện trạng khu vực. “Hành động của Trung Quốc nhằm thực hiện ý đồ biến 80% diện tích biển Đông thành của họ. Nếu chuyện đó xảy ra sẽ gây phiền hà rất lớn về hàng hải, hàng không cho nhiều nước”, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng bày tỏ.
Trước đó, báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri do Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày cho thấy, "cử tri và nhân dân rất lo lắng, bất bình trước việc Trung Quốc tăng cường các hoạt động cải tạo, bồi đắp, xây dựng các công trình tại hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa"; đồng thời mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục thực hiện các chủ trương, giải pháp hiệu quả để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
Võ Hải