Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá 13, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết, có hơn 3.800 ý kiến, kiến nghị gửi tới Quốc hội, trong đó đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố ghi nhận hơn 1.900 ý kiến, kiến nghị.
Theo kết quả tổng hợp, cử tri và nhân dân quan tâm sâu sắc đến việc tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và mong muốn việc tổ chức đại hội phải thật sự dân chủ, đoàn kết, lựa chọn những người thực sự có tài, có đức tham gia các cấp ủy.
Cử tri hoan nghênh việc tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi với người có công với cách mạng song vẫn băn khoăn về tình hình phát triển kinh tế chưa thật bền vững, năng suất lao động còn thấp, việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp không ổn định, nợ công tiếp tục tăng.
"Nhân dân cũng rất quan tâm, theo dõi tình hình an ninh chính trị trên thế giới và trong khu vực đang có nhiều biến động phức tạp. Cử tri và nhân dân rất lo lắng, bất bình trước việc Trung Quốc tăng cường các hoạt động cải tạo, bồi đắp, xây dựng các công trình tại hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa", Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nói và cho hay, cử tri mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục thực hiện các chủ trương, giải pháp hiệu quả để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
Xem xét sửa đổi điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi
Cử tri nhận xét Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi năm 2014 đã đáp ứng được mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, tạo điều kiện để người lao động hưởng lương hưu hàng tháng, đảm bảo tốt hơn cuộc sống khi về già. Song do nhu cầu cuộc sống trước mắt mà một bộ phận người lao động có nhu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần. Do vậy, thời gian vừa qua ở một số địa phương có tình trạng người lao động ngừng việc tập thể, phản đối quy định về giải quyết bảo hiểm xã hội một lần theo Điều 60.
"Đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm nghiên cứu, xem xét để có các giải pháp đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu đa dạng trong việc lựa chọn hình thức trợ cấp bảo hiểm xã hội, phù hợp với quyền và lợi ích chính đáng của người lao động và điều kiện thực tế", ông Nhân cho hay.
Lo lắng về tính hiệu quả của đổi mới giáo dục
Cử tri hoan nghênh những tiến bộ và giải pháp đổi mới của ngành Giáo dục và Đào tạo, tuy nhiên, còn lo lắng về tính hiệu quả và sự phù hợp thực tế của một số giải pháp như: Đổi mới thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh đại học, cao đẳng; Không chấm điểm trong các trường tiểu học và phương án xét tuyển học sinh vào lớp 6.
Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo sơ kết một năm thực hiện các giải pháp này để rút kinh nghiệm và có hướng dẫn kịp thời, bảo đảm đánh giá đúng năng lực học sinh phổ thông trong quá trình học tập và tuyển sinh đại học, cao đẳng; Đề nghị Bộ Giáo dục khi xây dựng các giải pháp đổi mới ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống giáo dục, cần thực hiện thí điểm ở quy mô nhỏ, có đánh giá tác động và xây dựng lộ trình triển khai thực hiện phù hợp, tránh gây ảnh hưởng tiêu cực cho nhà trường, phụ huynh và học sinh.
Thực trạng có quá nhiều loại sách tham khảo có nội dung khác nhau được đưa vào nhà trường, bạo lực học đường cũng khiến cử tri băn khoăn. Vì vậy Mặt trận đề nghị Chính phủ chỉ đạo ngành giáo dục phối hợp tốt hơn với các bộ, ngành có liên quan và các địa phương để quản lý việc phát hành, hướng dẫn sử dụng các sách tham khảo và đánh giá đúng mức tình trạng bạo lực học đường, tăng cường các giải pháp giáo dục về nhân cách và đạo đức học sinh.
Chất lượng khám chữa bệnh chưa cao
Cử tri và nhân dân đánh giá cao một số thành công của ngành Y tế thời gian qua trong việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và bổ sung đội ngũ y, bác sỹ có chuyên môn, năng lực về công tác tại cơ sở, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp của nhân viên, bác sỹ tại các cơ sở y tế.
Tuy nhiên, chất lượng khám, chữa bệnh, thái độ thờ ơ, thiếu trách nhiệm đối với người bệnh của một bộ phận nhân viên y tế, bác sỹ; Cơ sở y tế không niêm yết giá thuốc, giá dịch vụ theo quy định; Công tác kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ thuốc chữa bệnh chưa được thường xuyên; Nhập khẩu trang thiết bị y tế cũ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đủ tiêu chuẩn tại một số bệnh viện; Mất an toàn vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn tập thể...vẫn khiến người dân lo lắng.
Vì vậy, cử tri đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế và chính quyền các địa phương tiếp tục có các giải pháp hiệu quả hơn nữa để khắc phục các yếu kém, sai phạm nói trên.
Cử tri phản ánh về Luật bảo hiểm y tế sửa đổi năm 2014 còn một số bất cập, như việc bắt buộc mua thẻ bảo hiểm y tế đối với tất cả các thành viên trong hộ gia đình là chưa phù hợp với những hộ gia đình khó khăn về kinh tế, việc phải chứng minh sự tham gia bảo hiểm y tế của từng thành viên trong hộ gia đình khi các thành viên học tập, lao động, công tác ở những nơi khác nhau là phức tạp. Vì vậy Mặt trận đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam có hướng dẫn riêng về việc quy định mua bảo hiểm y tế bắt buộc, tạo điều kiện cho nhân dân được khám chữa bệnh ở các bệnh viện tuyến trên tuỳ theo mức độ bệnh của người bệnh; điều chỉnh chế độ chính sách bảo hiểm y tế đối với người bệnh là nạn nhân chất độc da cam khi bị mắc nhiều bệnh hiểm nghèo.
Phòng chống tham nhũng còn hạn chế
Cử tri ghi nhận và đánh giá cao quyết tâm và nỗ lực của Đảng, Nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân cho rằng việc phát hiện và phòng, chống tham nhũng, lãng phí còn hạn chế, việc xử lý tham nhũng chưa kịp thời, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng rất thấp so với quyết định của tòa án.
"Đề nghị Quốc hội, Chính phủ tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và kiên quyết xử lý các đối tượng tham nhũng, lãng phí, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra tham nhũng, lãng phí", Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân kiến nghị.
Bên cạnh những ý kiến, kiến nghị nêu trên, cử tri đề nghị Chính phủ và các cơ quan nhà nước tiếp tục giải quyết kiến nghị tại các kỳ họp Quốc hội trước, như: Tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn, giải thể, tạm ngừng hoạt động; Khiếu nại, tố cáo vẫn diễn biến phức tạp; Hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương trong việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện còn hạn chế; Mất an toàn trong xây dựng các công trình giao thông.
Báo cáo trước Quốc hội về đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế xã hội năm 2014 và tình hình triển khai nhiệm vụ những tháng đầu năm 2015, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, hiện nay tiềm lực quốc phòng, an ninh của nước ta vẫn tiếp tục được tăng cường, các âm mưu, hoạt động chống phá, kích động gây rối được phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Tuy nhiên, việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ còn nhiều khó khăn, đặc biệt trước những diễn biến phức tạp ở Biển Đông. Tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên một số địa bàn còn phức tạp, vẫn xảy ra sai sót trong giam giữ, điều tra, truy tố, xét xử. Theo Phó Thủ tướng, nhiệm vụ những tháng còn lại của Chính phủ trong năm 2015 là tiếp tục thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, lợi ích quốc gia. Tiềm lực quốc phòng, an ninh sẽ được tăng cường để nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, ứng phó kịp thời, hiệu quả trong mọi tình huống, củng cố nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân. Hợp tác quốc tế và khu vực được tăng cường để giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định. Nhiệm vụ quốc phòng an ninh, đối ngoại được kết hợp chặt chẽ với phát triển kinh tế - xã hội. |
Hoàng Thuỳ