Đó là thay đổi đáng chú ý nhất trong tờ trình Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, được trình Quốc hội sáng 6/6 để thay thế Nghị quyết 35.
Nhiệm kỳ 2011-2016 này, Quốc hội, Hội đồng nhân dân sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm vào kỳ họp cuối năm 2014.
Trao đổi với báo chí sáng 6/6, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc tin rằng “điều này sẽ tốt hơn”, từ chỗ lấy phiếu hàng năm thì nay chỉ một lần duy nhất mỗi nhiệm kỳ.
“Chúng ta lo mỗi năm lấy phiếu một lần sẽ hình thức nên mới phải sửa đổi. Việc sửa đổi để người thuộc diện được lấy phiếu có thời gian khắc phục, sửa chữa, phấn đấu”, ông Phúc nói.
Thẩm tra tờ trình, Ủy ban Pháp luật tán thành quy định và cho rằng điều này vừa bảo đảm cơ chế giám sát, đánh giá cán bộ, vừa tạo điều kiện để cán bộ thể hiện năng lực, trình độ.
Về các mức lấy phiếu, tờ trình vẫn giữ nguyên ba mức là tín nhiệm, tín nhiệm cao và tín nhiệm thấp. Theo đó, người được lấy phiếu nếu có quá nửa tổng số đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức; từ quá nửa nhưng chưa đến hai phần ba “tín nhiệm thấp” thì sẽ bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp tiếp theo; từ hai phần ba tổng số đại biểu trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì bỏ phiếu tín nhiệm ngay tại kỳ họp.
Trước thông tin có 20 đoàn đề nghị chỉ hai mức “tín nhiệm” hoặc “không tín nhiệm”, Chủ nhiệm Phúc cho biết nếu bỏ phiếu thì nên có hai mức, song đây là lấy phiếu nên ba mức như trên là hợp lý. “Lấy phiếu là để đánh giá xem uy tín của anh thế nào, góp phần cho việc đánh giá cán bộ”, ông Phúc giải thích.
Việc lấy phiếu tín nhiệm với 47 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn được thực hiện lần đầu tại kỳ họp Quốc hội tháng 6/2013. Các địa phương sau đó cũng lấy phiếu với các chức danh do HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Tuy nhiên, cuối năm 2013, Bộ Chính trị đề nghị tạm dừng việc lấy phiếu tại kỳ họp này để nghiên cứu sửa đổi.
Chí Hiếu