Sáng 21/2, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo đánh giá, rút kinh nghiệm việc thực hiện Nghị quyết số 35 về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương đưa ra đề nghị tạm dừng việc lấy phiếu trong năm 2014.
Việc tạm dừng này thực hiện theo ý kiến của Bộ Chính trị tại thông báo số 149 ngày 20/12/2013. Bộ Chính trị đề nghị tạm dừng tổ chức lấy phiếu tại kỳ họp đầu năm để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35 của Quốc hội.
Phát biểu cuối buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, lần lấy phiếu năm 2013 được tiến hành đúng với tình hình đất nước, nghiêm túc, công tâm. Có nhiều góp ý về thời gian lấy phiếu, mức tín nhiệm, bỏ phiếu… vì thế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy "cần phải bổ sung, sửa đổi một số điều của Nghị quyết 35 để phù hợp thực tiễn".
Việc bổ sung, sửa đổi này được giao cho Ban Công tác đại biểu và phải hoàn tất trước phiên họp của Ủy ban Thường vụ tháng 3 để thẩm tra. “Kỳ họp Quốc hội thứ 7 vào tháng 5/2014 sẽ tạm dừng việc lấy phiếu tín nhiệm. Việc lấy phiếu lần sau sẽ chờ Quốc hội chấp thuận việc bổ sung, sửa đổi Nghị quyết 35”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý khẳng định, lần lấy phiếu tín nhiệm vừa qua được người dân đánh giá cao. Tuy nhiên, do thực hiện lần đầu nên cần đánh giá, rút kinh nghiệm để đề nghị Bộ Chính trị, Trung ương xem xét hoàn thiện. Quốc hội và HĐND các cấp cũng phải nghiên cứu thêm để phát huy hiệu quả đánh giá cán bộ.
Ông Lý đề nghị, việc ngừng hẳn hay lấy phiếu một hoặc hai lần mỗi kỳ cần nghiên cứu. Hướng sửa đổi là đánh giá đầy đủ việc thực hiện Nghị quyết 35. Trong khi đó, Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nêu quan điểm "chỉ dừng một kỳ lấy phiếu để Ban Công tác đại biểu sửa".
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nhận xét, điểm yếu của lấy phiếu là “chỉ đánh giá được một bộ phận cán bộ chứ không phải toàn bộ”. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm năm 2013 cho thấy, hầu hết cán bộ cơ quan của Quốc hội, HĐND tín nhiệm cao nhưng ở khối hành pháp thì tín nhiệm thấp, thậm chí là dưới 50%.
"Thể chế, văn bản lạc hậu làm cho cán bộ hành pháp dễ va chạm, dễ gặp khuyết điểm, sai lầm dẫn đến bức xúc của người dân", ông Phước nói và đề nghị chỉ bỏ phiếu tín nhiệm với khối hành pháp, nơi thường xuyên tiếp xúc với dân, với cuộc sống, để đánh giá mức độ hài lòng của dân với chính quyền, để người dân giám sát công tác điều hành, quản lý của chính quyền địa phương và Trung ương.
Nguyễn Hưng