Chiều 22/7, ông Vương Đình Huệ gặp mặt, trao đổi với báo chí sau hai ngày nhậm chức Chủ tịch Quốc hội khóa XV.
- Cuối tháng 3, ông lần đầu được bầu làm Chủ tịch Quốc hội. Bốn tháng sau đó, ông tái đắc cử vị trí này. Cảm xúc của ông ở hai lần này như thế nào?
- Cảm xúc của tôi đều là vinh dự, xúc động. Ở lần nhận nhiệm vụ trước, tôi hứa 2 điều là đảm bảo công việc và hoạt động của Quốc hội diễn ra thường xuyên; cùng Hội đồng bầu cử Quốc gia và cả hệ thống chính trị tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Kiểm điểm lại, tôi thấy hơn ba tháng qua mình đã làm được hai việc đó.
Lần này, phát biểu nhậm chức tôi nói dài hơn vì đây là cho nhiệm kỳ 5 năm, với mục tiêu tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội.
Đến nay tôi có 43 năm công tác, trong đó 23 năm làm việc tại trường đại học rồi trải qua nhiều vị trí khác nhau. Mỗi cương vị đều cho tôi kinh nghiệm để thực hiện các nhiệm vụ của Quốc hội, tuy nhiên, "kho tàng quý giá" là ở 499 đại biểu. Cái tài của Ủy ban Thường vụ, cái khéo của Chủ tịch Quốc hội là phải khơi dậy, phát huy được điều đó chứ một người thì không làm gì được.
- Với cương vị Chủ tịch Quốc hội, ông nhắn nhủ gì đến các đại biểu để hoàn thành tốt nhiệm vụ khóa XV?
- Tôi không có nhắn nhủ gì đến các vị đại biểu, mà chỉ chia sẻ với tư cách là một trong 499 người được gần 70 triệu cử tri cân nhắc lựa chọn để bầu vào Quốc hội.
Đây là lần thứ 3 tôi tham gia Quốc hội. Cảm giác của đại biểu lần đầu tiên vào nghị trường chắc là giống tôi cách đây 2 nhiệm kỳ, ngoài vinh dự, tự hào thì cũng thấy đây là nhiệm vụ nặng nề, suy nghĩ phải làm gì để xứng đáng với sự lựa chọn của cư tri trong 5 năm.
Đặt chân vào nghị trường là vinh dự lớn nhưng có hoàn thành được trọng trách hay không là việc lớn hơn. Thường vụ họp mỗi tháng một lần, Quốc hội họp 2 kỳ một năm, song đại biểu hoạt động liên tục. Mấy hôm nay có người chúc mừng chúng tôi, nhưng tôi xin mượn lời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi được bầu làm Chủ tịch nước là "không biết chúc mừng hay chúc lo"; "chén vui dành buổi hôm nay/Nhưng chén mừng phải đợi ngày này 5 năm sau".
Phải 5 năm sau mới biết được mỗi vị đại biểu có thực sự là người đại diện cho nhân dân, xứng đáng với kỳ vọng của hay không. Tôi chắc rằng các đại biểu đều thấm nhuần như vậy.
- Trong nhiệm kỳ mới, ông sẽ tập trung đổi mới những lĩnh vực gì?
- Chúng tôi được kế thừa rất nhiều thành tựu của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và các khóa trước. Đây là thuận lợi nhưng cũng đặt ra áp lực, phải tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng.
Chất lượng Quốc hội được đo lường bằng chất lượng của các kỳ họp, hoạt động của Uỷ ban Thường vụ, các Ủy ban, Hội đồng dân tộc, đoàn Đại biểu và từng đại biểu... Vì vậy, Quốc hội đã yêu cầu mỗi cơ quan phải xây dựng đề án tự đổi mới và nâng cao chất lượng. Đơn cử như công tác dân nguyện, giải quyết khiếu nại, kiến nghị cử tri thông thường báo cáo tại kỳ họp Quốc hội, nhưng tôi đề nghị Ban Dân nguyện tới đây phải báo cáo tại các phiên họp thường kỳ, hàng tháng của Uỷ ban Thường vụ.
Trong hoạt động của Quốc hội, chúng tôi đặt mục tiêu nâng cao chất lượng ở cả công tác lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Để nâng cao chất lượng công tác lập pháp, phải gắn với trách nhiệm từng cơ quan, nhất là người đứng đầu để pháp luật thống nhất, có tuổi thọ ổn định, lâu dài, đáp ứng yêu cầu kiến tạo phát triển, hội nhập quốc tế; khắc phục cho bằng được "luật khung, luật ống"...
Trong giám sát tối cao, Quốc hội chú trọng chọn vấn đề trúng, đúng, liên quan đến quốc kế, dân sinh; giám sát có trọng tâm trọng điểm, làm đến nơi đến chốn, truy đến tận cùng sự việc, nêu ra ý kiến xác đáng...
Quốc hội khóa XV cũng sẽ không ngừng đổi mới phương thức hoạt động và nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Chúng tôi sẽ huy động tối đa nhà khoa học, chuyên gia vào các công việc của Quốc hội ở các lĩnh vực. Nghĩa là huy động trí tuệ toàn dân chứ không chỉ 499 đại biểu Quốc hội.
- Ông dự kiến đưa ra chỉ đạo như thế nào để tiếp tục đổi mới hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, chất vấn?
- Trước mắt, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện lấy phiếu tín nhiệm, chất vấn và đánh giá việc thực hiện lời hứa của Bộ trưởng theo quy định hiện hành, đồng thời, tiếp tục nghiên cứu đổi mới các quy trình này.
Hiện Đảng đoàn Quốc hội đã chỉ đạo nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện và tổ chức tốt việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; nghiên cứu để tiếp tục hoàn thiện cơ chế giám sát, lấy phiếu tín nhiệm đối với những người do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn theo định hướng Nghị quyết Đại hội XIII.
Cùng với đó, Quốc hội tiếp tục đổi mới phương thức, cách thức tổ chức chất vấn, tăng cường hoạt động chất vấn ở Ủy ban Thường vụ, hoạt động giải trình ở Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban.
- Nhiều đại biểu khoá trước đã đề xuất để nhân dân được vào quan sát trực tiếp các phiên họp tại tòa nhà Quốc hội, công khai nút bấm của đại biểu. Ông nghĩ sao về kiến nghị này?
- Quốc hội đang cho xây dựng quy chế vận hành tòa nhà Quốc hội, theo đó, có thể cho người dân vào tham quan, dự khán hoạt động của Quốc hội. Việc này được giao cho Tổng thư ký Quốc hội thực hiện, làm sao để tòa nhà được vận hành tốt nhất, theo quy định hiện hành.
Thực tế hiện nay, tầng trên của tòa nhà Quốc hội, ngoài khách quốc tế đến tham quan, còn có khách địa phương đăng ký vào quan sát hoạt động của Quốc hội.
Còn việc công khai nút bấm của các đại biểu thì phải theo quy định của pháp luật, hiện pháp luật chưa quy định. Tuy nhiên, trên cơ sở các ý kiến, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu.