Thông cáo báo chí phát đêm 21/5 về nội dung ngày làm việc thứ hai của Quốc hội đề cập nhiều đến thái độ của cơ quan quyền lực cao nhất trước việc Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Thông cáo cho hay, Quốc hội khẳng định việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam; vi phạm luật pháp quốc tế nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982; vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC); trái với thỏa thuận cấp cao giữa hai Đảng, Nhà nước Việt Nam - Trung Quốc. Tình hình biển Đông căng thẳng, hòa bình và an ninh đang bị đe dọa.
Quốc hội cùng toàn thể đồng bào, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài bày tỏ sự lo ngại và kiên quyết phản đối những vi phạm, sai trái của phía Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam. Quốc hội cũng bày tỏ lòng biết ơn với các tổ chức, cá nhân, dư luận quốc tế đã đồng tình, ủng hộ Việt Nam.
Quốc hội tin tưởng và nhất trí cao với chủ trương của Đảng, Nhà nước đã lãnh đạo quân dân ta có nhiều biện pháp đấu tranh bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ trên cơ sở luật pháp quốc tế; đồng thời, kiên trì đấu tranh gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; kiên trì bảo vệ, giữ vững quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc.
Nhận định diễn biến tình hình trên biển Đông còn phức tạp và khó lường, Quốc hội đề nghị Chính phủ, các ngành, các cấp cùng đồng bào cả nước đoàn kết, thống nhất và đặc biệt quan tâm giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại của đất nước.
Thông cáo trên được phát đi sau ngày làm việc thứ hai của kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII, khai mạc hôm 20/5 và dự kiến kéo dài đến 24/6.
20 ngày qua, việc Trung Quốc đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã khiến dư luận "dậy sóng". Nhiều cuộc biểu tình, tuần hành phản đối Trung Quốc diễn ra trong cộng đồng người Việt khắp thế giới. Chính phủ Việt Nam đã 20 lần yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan cùng tàu và máy bay ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, đồng thời tố cáo hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của nước này trước Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 24 khai mạc hôm 11/5 tại Myanmar. Lần đầu tiên sau 20 năm, cộng đồng ASEAN ra một tuyên bố riêng về tình hình biển Đông. Đại diện ngoại giao, học giả các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, EU, Australia... đã bày tỏ sự lo ngại và lên án hành động của Trung Quốc.
Y Nguyên