Sáng 13/11, với 92% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025.
Bên cạnh diện tích đất trồng lúa, Nghị quyết cũng nêu mục tiêu đến năm 2030, cả nước có 5,2 triệu ha đất rừng phòng hộ; 2,45 triệu ha đất rừng đặc dụng; 8,1 triệu ha đất rừng sản xuất; đất khu kinh tế 1,6 triệu ha; đất khu công nghệ cao 4.000 ha; đất đô thị 2,9 triệu ha.
Diện tích đất trồng lúa hiện nay của cả nước là 3,9 triệu ha. Như vậy với Nghị quyết trên, đến năm 2030, đất trồng lúa cả nước giảm gần 350.000 ha.
Trình bày báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh (Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế), cho biết trong quá trình thảo luận đa số ý kiến tán thành việc giữ diện tích đất trồng lúa đến năm 2030 là hơn 3,5 triệu ha. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị làm rõ cơ sở đưa ra chỉ tiêu này; có ý kiến đề nghị chỉ giữ 3,2 triệu ha.
Một số đại biểu đề nghị rà soát, hạn chế việc lấy đất trồng lúa sang các loại đất phi nông nghiệp (nhất là đất khu công nghiệp); cho phép chuyển đổi linh hoạt cơ cấu cây trồng, vật nuôi với đất trồng lúa nhưng không làm thay đổi tính chất lý hóa của đất để nâng cao hiệu quả kinh tế.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, quy hoạch đất trồng lúa được tính toán trên cơ sở bảo đảm nhu cầu lương thực quốc gia; bám sát định hướng phát triển kinh tế các vùng; phù hợp với tiềm năng đất đai từng vùng, địa phương...
Thực tế một số nơi, việc sử dụng đất trồng lúa để trồng cây khác hoặc nuôi trồng thủy sản đang diễn ra, cho thấy hiệu quả cao hơn.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Nghị quyết đã cho phép chuyển đổi linh hoạt 300.000 ha đất trồng lúa sang cây trồng, vật nuôi khác, nhưng không làm thay đổi tính chất của đất; có thể trở lại trồng lúa khi cần thiết.
Trước đó, thảo luận tại Quốc hội ngày 30/10, một số đại biểu đề nghị giảm diện tích đất trồng lúa. Đại biểu Nguyễn Thanh Phương, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, đề xuất giảm diện tích lúa đến năm 2030 ở Đồng bằng sông Cửu Long xuống 1,3 đến 1,4 triệu ha, thay vì 1,67 triệu ha như quy hoạch đề ra.
Đồng tình với quan điểm của ông Phương, đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy ban Pháp luật, đề nghị chỉ giữ ổn định diện tích trồng lúa cả nước là 3,2 triệu ha; còn 300.000 ha, Nhà nước cho phép người dân chuyển đổi các loại cây trồng linh hoạt.