Hạ viện Mỹ tuần trước thông qua dự luật về chính sách quốc phòng cho năm tài khóa 2025, trong đó yêu cầu không quân nước này khôi phục năng lực hạt nhân của khoảng 30 oanh tạc cơ B-52. Những máy bay này đã được hoán cải để chỉ mang được vũ khí thông thường gần một thập kỷ trước, nhằm đáp ứng các điều khoản trong Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới (New START) với Nga.
Theo dự luật được Hạ viện Mỹ thông qua, một tháng sau khi hiệp ước New START hết hạn, không quân nước này sẽ bắt đầu chỉnh sửa lại phi đội B-52 để chúng có thể mang theo vũ khí hạt nhân và hoàn thành trước 2029.
Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ cũng đã thông qua phiên bản riêng của dự luật, trong có có điều khoản tương tự về việc khôi phục lại năng lực hạt nhân của toàn bộ oanh tạc cơ B-52 trong biên chế.
Moskva đình chỉ tham gia New START từ tháng 2/2023 với lý do Mỹ và phương Tây vi phạm các điều khoản của thỏa thuận, song vẫn cam kết duy trì các nghĩa vụ được quy định trong hiệp ước. Nếu không được gia hạn, New START sẽ hết hiệu lực vào tháng 3/2026.
"Khả năng Nga quay lại bàn đàm phán để thảo luận nghiêm túc về vấn đề kiểm soát vũ khí sau khi hiệp ước hết hạn là điều khó xảy ra", Mike Rogers, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, cho biết. "Chúng tôi cần phải chuẩn bị để đối mặt với môi trường hạt nhân không có bất kỳ hiệp ước nào ràng buộc".
Ngoài vấn đề về hiệp ước New START, dự luật còn nhận được ủng hộ của giới lập pháp do lo ngại trước việc Trung Quốc đang đẩy mạnh sản xuất đầu đạn hạt nhân chiến lược.
Trong khi đó, những nghị sĩ phản đối cho rằng dự luật sẽ khiến việc đàm phán thỏa thuận mới thay thế hiệp ước New START trở nên khó khăn hơn, cũng như làm phức tạp hóa nỗ lực kéo dài tuổi thọ cho B-52, loại máy bay được ra mắt từ thời Chiến tranh Lạnh.
"Bộ Quốc phòng Mỹ không hứng thú làm điều này, mà muốn đầu tư vào oanh tạc cơ tàng hình thế hệ mới B-21. Kế hoạch trên sẽ tốn rất nhiều tiền", Adam Smith, thành viên cấp cao thuộc đảng Dân chủ của Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, nói. "Ngoài ra, không quân cũng đang tìm cách kéo dài thời gian hoạt động của các phi cơ B-52 đến năm 2050. Việc khôi phục năng lực hạt nhân sẽ làm gia tăng chi phí cho dự án này".
B-52 là mẫu oanh tạc cơ nhiều tuổi nhất hiện nay của Mỹ, bắt đầu hoạt động từ đầu những năm 1960. Lực lượng này hiện còn 76 chiếc B-52 trong biên chế.
Nó vẫn được coi là yếu tố quan trọng trong "bộ ba hạt nhân" của Mỹ, với khả năng mang tên lửa hành trình phóng từ trên không AGM-86B gắn đầu đạn hạt nhân.
Dù vậy, không phải phi cơ B-52 nào hiện cũng sở hữu năng lực này. Không quân Mỹ hồi năm 2015 bắt đầu tước bỏ khả năng trang bị vũ khí hạt nhân trên 30 máy bay B-52 để đáp ứng quy định của hiệp ước New START.
Phạm Giang (Theo Defense News)