Chiều nay (12/11), Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 đã được Quốc hội thông qua với 472 đại biểu tán thành, tương ứng 94,59%.
Liên quan đến một số ý kiến cho rằng mức tăng trưởng GDP khoảng 6%-6,5% khó hoàn thành, nên đặt khoảng 5%-5,5%, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 đã được xây dựng trên cơ sở phân tích, dự báo bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế.
Đồng thời, chỉ tiêu này có tính đến những yếu tố thuận lợi, khó khăn của năm 2021 trên nền tăng trưởng thấp (khoảng 2%), bám sát định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm.
"Việc đặt chỉ tiêu khoảng 6-6,5% thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ, đồng thời để bảo đảm hài hòa, linh hoạt trong thực hiện các mục tiêu năm 2022, do đó, xin Quốc hội cho giữ như dự thảo", ông Thanh nói.
Ngoài mục tiêu tăng trưởng GDP, quy mô GDP bình quân đầu người năm tới dự kiến đạt 3.900 USD, tỷ trọng công nghiệp chế biến - chế tạo khoảng 25,5-25,8% GDP, tốc độ tăng CPI khoảng 4%, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân khoảng 5,5%...
Với đề nghị đặt mục tiêu cao hơn cho chỉ tiêu lao động qua đào tạo; tăng tỷ lệ bội chi lên 5% GDP, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cùng với Chính phủ đang khẩn trương xây dựng "Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội", "Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19", trong đó có nội dung cân đối ngân sách và bội chi. Hai chương trình này sẽ sớm trình Quốc hội xem xét.
"Việc xây dựng kịch bản tăng trưởng, các chỉ tiêu chủ yếu đã được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng", ông Thanh nhận xét.
Về việc một số chỉ tiêu có trong Nghị quyết 5 năm nhưng không có trong trong kế hoạch năm tới, ông Thanh nói, việc thu thập, tính toán số liệu những chỉ tiêu này không được thực hiện hằng năm.
"Việc bổ sung thêm chỉ tiêu vào dự thảo Nghị quyết cần được đánh giá kỹ lưỡng, bảo đảm tính khả thi, đo lường được, thuận lợi cho công tác kiểm tra, giám sát", ông Thanh nêu.
Chỉ tiêu | Kế hoạch năm 2022 |
Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) | 6-6,5% |
GDP bình quân đầu người | 3.900 USD |
Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP | Khoảng 25,5-25,8% |
Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) | Bình quân 4% |
Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân | 5,5% |
Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội | 27,5% |
Tỷ lệ lao động qua đào tạo | 67% (27-27,5% có bằng, chứng chỉ) |
Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị | Dưới 4% |
Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) | Giảm 1-1,5% |
Số bác sĩ trên 1 vạn dân | 9,4 |
Số giường bệnh trên 1 vạn dân | 29,5 giường bệnh |
Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế | 92% dân số |
Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới | 73% |
Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn | 89% |
Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn | 91% |
Quốc hội đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan thực hiện các chính sách, giải pháp để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Chính phủ cũng được yêu cầu điều hành các chính sách tài chính, tiền tệ linh hoạt, để hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, kết nối cung cầu lao động, thúc đẩy xuất khẩu, tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh đầu tư. Đồng thời, Quốc hội đề nghị phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay, kiểm soát việc phát sinh nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Minh Sơn