Sáng 7/1, Thường vụ Quốc hội cho ý kiến kế hoạch và đề cương của Đoàn giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực.
Đoàn giám sát sẽ tập trung đánh giá việc bố trí và sử dụng nguồn lực cho bảo vệ môi trường; quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; việc lập, thẩm định, phê duyệt đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường.
Đoàn cũng giám sát hoạt động kiểm soát ô nhiễm chất lượng môi trường nước, không khí; chống ngập úng ở các đô thị; việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt, nước thải đô thị, chất thải nông nghiệp, y tế và xây dựng. Ngoài ra, công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và xử lý vi phạm, đấu tranh phòng, chống tội phạm; phát triển thị trường carbon cũng sẽ được giám sát.
Lo ngại về ô nhiễm không khí tại Hà Nội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề nghị Đoàn giám sát đánh giá tổng thể nguyên nhân và nguồn ô nhiễm. Trong đó ông đề nghị rà soát nguồn phát thải công nghiệp, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất lớn quanh Hà Nội gây ô nhiễm và việc đốt rơm rạ, phế phẩm nông nghiệp.
Hà Nội đang phát triển nóng với nhiều công trình xây dựng. Vì vậy, bụi xây dựng cũng đóng phần lớn vào tình trạng ô nhiễm không khí tại Thủ đô. "Chỉ cần một ngày không lau là mặt bàn, mặt kính có lớp bụi rồi, ảnh hưởng lớn đến đường hô hấp, sức khỏe", ông Vinh nói.
Lấy ví dụ ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ông Vinh cho rằng thành phố này từng ô nhiễm nặng nề. Nhưng sau khi chính quyền chuyển hết ngành công nghiệp ra ngoài thành phố, tổ chức trồng cây xanh "giờ đây không ai còn nói Bắc Kinh ô nhiễm nữa".
Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đồng tình ô nhiễm không khí ở Hà Nội là vấn đề nhức nhối. Chính phủ và UBND TP Hà Nội đưa ra nhiều giải pháp nhưng chưa thực sự hiệu quả. "Sau đợt giám sát này, chúng ta cần có hành động quyết liệt hơn, như kinh nghiệm Trung Quốc trước đây và gần nhất là New York, Mỹ. Họ đánh phí và không cho ôtô đi vào khu vực ô nhiễm nghiêm trọng hay tắc nghẽn giao thông", ông Thành nói.
Theo lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí cần bắt đầu từ việc sửa đổi luật, nghị định kèm theo đó là ý thức và hành động quyết liệt của chính quyền địa phương. Bộ cũng đã có kế hoạch chi tiết để cùng đoàn giám sát giúp cuộc giám sát thiết thực, chỉ ra giải pháp.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nói việc xử lý vấn đề môi trường cần theo nguyên tắc "ai làm ô nhiễm, người đó phải trả tiền xử lý". Dẫn câu chuyện về xử lý nước thải, một hộ dùng 100 m3 nước/tháng, tức là nhà đó thải ra 100 m3 nước thải. Vì vậy, số tiền họ phải trả không chỉ tiền nước sạch mà còn là tiền xử lý nước thải. Tiền đó sẽ được thu để tái đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường.
Ông đề nghị qua lần giám sát này Quốc hội ban hành được nghị quyết, làm cơ sở để cấm các hành vi gây ô nhiễm như chôn rác, đốt rác bừa bãi. Đề cương đối với mỗi tỉnh, thành cũng phải được thiết kế riêng để đảm bảo tính đặc thù. Ví dụ Hà Nội, đề cương cần tập trung nhiều vào tình trạng ô nhiễm không khí.
Tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội gia tăng trong khoảng 10 năm gần đây. Theo kết quả quan trắc của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ô nhiễm không khí ở Hà Nội bắt đầu từ khoảng tháng 10 và kéo dài đến tháng 4 năm sau, tập trung tại một số điểm có mật độ giao thông lớn và nhiều cơ sở sản xuất. Trong ngày có hai khung giờ ô nhiễm nghiêm trọng là 6-8h và 17-19h.
Với quy mô dân số hơn 8 triệu, mật độ 2.398 người/km2, cao gấp 8,2 lần so với trung bình cả nước, số phương tiện giao thông đặc biệt lớn (1,1 triệu ôtô, 6,9 triệu xe máy), tháng 7/2021 thành phố đã ban hành kế hoạch đo kiểm khí thải môtô, xe gắn máy cũ làm cơ sở đề xuất giải pháp cải thiện chất lượng không khí. Thành phố cũng đã thông qua đề án Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường trên địa bàn giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn đến năm 2030, khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng.