Ngày 14/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020 với 90,48% đại biểu tham gia tán thành. Theo đó, Quốc hội quyết định tổng thu ngân sách là gần 851.800 tỷ đồng, thu ngân sách địa phương trên 660.500 tỷ. Còn chi ngân sách trung ương khoảng 1,06 triệu tỷ đồng, trong đó gần 367.710 tỷ đồng dành để bổ sung cân đối ngân sách địa phương.
Năm 2020, Quốc hội phê duyệt mức chi thường xuyên gần 480.000 tỷ đồng, chi đầu tư phát triển 220.000 tỷ, chi trả nợ lãi 115.400 tỷ và các khoản chi khác 20.300 tỷ đồng.
Riêng mức chi cải cách tiền lương, tinh giản biên chế giảm so với năm trước, còn 14.600 tỷ đồng, giảm 1.600 tỷ so với năm 2019.
Với ngân sách địa phương, Quốc hội quyết định dự toán bội thu năm 2020 là hơn 1,1 triệu tỷ đồng, nhưng vay bù đắp bội chi trên 18.100 tỷ và vay trả nợ gốc gần 11.400 tỷ đồng. Hà Nội và TP HCM là hai địa phương có số vay trả nợ gốc nhiều nhất, lần lượt hơn 4.600 tỷ và trên 3.700 tỷ đồng.

Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết của Quốc hội. Ảnh: Ngọc Thắng
Thảo luận trước đó, nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn cơ cấu phân bổ chi đầu tư phát triển còn phân tán, chưa đảm bảo vai trò chủ đạo theo Hiến pháp; còn giải ngân vốn đầu tư công thấp nhất trong 5 năm qua.
Giải trình sau đó, Chính phủ nêu, dự toán chi thường xuyên năm 2020 là 470.600 tỷ đồng, chiếm gần 27% tổng chi ngân sách. Trong đó chi đầu tư phát triển ngân sách Trung ương là 220.000 tỷ đồng, tăng 23.100 tỷ (khoảng 11,7%) so với dự toán 2019 và chiếm gần 47% tổng chi đầu tư phát triển. Vì thế, Chính phủ cho rằng, dự toán chi đầu tư phát triển từng bước thực hiện vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương và cải thiện theo tinh thần Hiến pháp và Luật ngân sách Nhà nước.
Về phía cơ quan thẩm tra, ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách cho biết, trong điều kiện thu ngân sách còn khó khăn, nguồn thu Trung ương phụ thuộc nhiều từ thu dầu thô, xuất nhập khẩu và phân chia giữa ngân sách Trung ương - địa phương có xu hướng giảm, việc Chính phủ dự kiến chi 220.000 tỷ đồng cho đầu tư phát triển là "nỗ lực trong điều hành ngân sách".
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra Quốc hội cũng nhìn nhận, mức phân bổ còn lại cho ngân sách Trung ương chỉ khoảng 112.900 tỷ đồng là thấp so với yêu cầu. Cơ quan này đề nghị cơ cấu lại nguồn thu ngân sách Trung ương, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án hạ tầng trọng điểm.
Trước việc giải ngân vốn đầu tư công ì ạch, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ rốt ráo rà soát lại quy trình, thủ tục, gỡ những điểm nghẽn ảnh hưởng trực tiếp tới thời hạn phân bổ, giao kế hoạch vốn và giải ngân vốn đầu tư công. Chính phủ cũng cần có chế tài xử lý đủ mạnh với các cơ quan, đơn vị, cá nhân gây chậm trễ trong việc giao kế hoạch vốn và giải ngân vốn.
Để cân đối ngân sách trung ương, địa phương, Quốc hội yêu cầu Chính phủ điều hành chi trả phí phát hành trái phiếu Chính phủ trong phạm vi dự toán chi trả nợ lãi của ngân sách Trung ương 2020 và chủ động cơ cấu lại nợ công theo quy định Luật Quản lý nợ công.
Nguyễn Hoài