Sáng 15/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chương trình kỳ họp 11, Quốc hội XIV. Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết kỳ họp này sẽ khai mạc vào 24/3 và kéo dài trong 12 ngày.
Theo dự kiến, quy trình công tác nhân sự tại kỳ họp bắt đầu từ 30/3, khi Quốc hội bỏ phiếu kín miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội đương nhiệm. Tân Chủ tịch Quốc hội sẽ được bầu vào ngày hôm sau.
Trong hai ngày 1 và 2/4, Quốc hội sẽ miễn nhiệm Chủ tịch nước đương nhiệm và bầu Chủ tịch nước mới. Tân Chủ tịch nước tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp ngay sau khi Ban kiểm phiếu công bố kết quả.
Chiều 2/4, Quốc hội bỏ phiếu kín miễn nhiệm Thủ tướng, sau đó Chủ tịch nước trình danh sách đề cử để các đại biểu bầu tân Thủ tướng. Ngày 5/4, Quốc hội bầu người đứng đầu Chính phủ mới.
Cũng theo chương trình dự kiến, tại kỳ họp tới đây, các đại biểu sẽ miễn nhiệm, bầu và phê chuẩn một số chức danh khác trong bộ máy Nhà nước, như: Phó chủ tịch nước; một số Phó chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ, Tổng thư ký Quốc hội; một số Phó thủ tướng và thành viên Chính phủ; Tổng kiểm toán Nhà nước...
Trước đó, hội nghị Trung ương 2 (khóa XIII) đã thống nhất cần sớm kiện toàn, sắp xếp lại các chức danh lãnh đạo cơ quan nhà nước; nhất trí cho thực hiện việc này tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIV. Tại hội nghị này, Trung ương đã bỏ phiếu giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội "với số phiếu rất tập trung".
Bộ Chính trị cũng đã báo cáo xin ý kiến Trung ương trước khi chính thức giới thiệu nhân sự đối với các chức danh khác để Quốc hội xem xét, bầu hoặc phê chuẩn theo quy định.
Theo ông Nguyễn Đức Hà, chuyên gia Xây dựng Đảng, kỳ họp Quốc hội tới đây thực hiện kiện toàn một bước về nhân sự, trước hết là ba lãnh đạo chủ chốt Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội và một số vị trí trong Chính phủ, trong Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và cơ quan tư pháp...
"Các vị trí mà lãnh đạo ở đó không tham gia Trung ương khóa mới hoặc có tham gia Trung ương, Bộ Chính trị, Ban bí thư khóa XIII nhưng dự kiến thay đổi công tác thì sẽ được kiện toàn, sắp xếp lại", ông Hà nói.
Trong 3 chức danh lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước hiện nay, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là hai trong số các "trường hợp đặc biệt" tại Đại hội XIII, tái đắc cử Trung ương và Bộ Chính trị khóa mới.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân không tái cử Trung ương khóa XIII.
Chính phủ đương nhiệm có 9 thành viên không tham gia Trung ương khóa mới, gồm Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, các Bộ trưởng Quốc phòng, Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo; và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
17 thành viên Chính phủ đắc cử tại Đại hội XIII sẽ được giới thiệu tiếp tục giữ chức vụ hiện nay hoặc phân công trọng trách mới tại kỳ họp Quốc hội sắp tới.
Ở khối Quốc hội, Uỷ ban thường vụ có 18 người, 12 vị không tham gia Trung ương khóa XIII gồm: Chủ tịch, 4 Phó chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch Hội đồng Dân tộc; Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Chủ nhiệm các Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Khoa học Công nghệ và Môi trường, Đối ngoại, Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng; và Trưởng ban Công tác đại biểu.
5 Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tái đắc cử tại Đại hội XIII, sẽ tiếp tục nhiệm vụ hoặc được phân công vị trí khác.
Hiện nay cơ quan có thẩm quyền chưa công bố nhân sự được giới thiệu vào các vị trí lãnh đạo trong bộ máy Nhà nước.
Tại phiên họp thứ 54 ngày 15/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành phần lớn thời gian để bàn về công tác nhân sự. Tuy nhiên, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết các nội dung được họp kín và Thường vụ Quốc hội chưa thông tin.