Sáng 15/3, tại cuộc họp tổng kết công tác nhiệm kỳ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói Quốc hội khóa XIV đã "hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
"Một nhiệm kỳ mà tính dân chủ được phát huy rất mạnh mẽ, thảo luận trên hội trường đã được mở rộng sang tranh luận, nhưng dân chủ trong kỷ cương, theo quy định của Hiến pháp, pháp luật", bà Ngân nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Giàu - Ủy viên Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, chung nhận định Quốc hội khóa XIV là nhiệm kỳ thành công. Tuy nhiên, ông chia sẻ điều ông thấy "còn nợ cử tri lớn nhất" là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vẫn còn tình trạng được mùa, mất giá.
"Dù tình trạng này bước đầu đã được khắc phục, nhưng hiện nay cứ sản phẩm này lên giá thì sản phẩm khác lại tụt xuống. Năm nay được giá lúa lại mất giá xoài. Đây là điều tôi băn khoăn nhất", ông Giàu nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đề cập đến "món nợ" khác với người dân đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có An Giang nơi ông ứng cử, "tại đây cơ sở hạ tầng giao thông quá tụt hậu và quá tải". Theo ông, dù Nhà nước đã quan tâm, đơn cử vừa qua Thủ tướng trình các cấp có thẩm quyền đưa 2 công trình cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Cần Thơ - Châu Đốc nghiên cứu triển khai sớm trong giai đoạn 2021 -2025, nhưng sự phát triển hạ tầng vẫn rất chậm.
"Muốn tăng khả năng cạnh tranh của đồng bằng Sông Cửu Long thì phải sớm đầu tư đường sắt từ TP HCM đi Cần Thơ để giải tỏa áp lực lên đường bộ, giảm thời gian vận chuyển hàng hóa", ông Giàu nói.
Trưởng ban Công tác Đại biểu Trần Văn Túy cho biết ông còn ba điều trăn trở khi nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV sắp kết thúc. Đầu tiên là vấn đề rác thải ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân, "đi đến đâu cũng thấy rác thải và đây đang là vấn nạn". Hai vấn đề tiếp theo là an ninh nguồn nước và năng lực sản xuất trong nước.
"Chúng ta tự hào kinh tế những năm gần đây tăng trưởng, nhưng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng góp rất lớn, như thế là không thực chất, tăng trưởng phải bắt nguồn từ sản xuất trong nước", ông nói và cho rằng nếu FDI chưa liên kết với doanh nghiệp trong nước, chuyển giao công nghệ hạn chế thì càng tạo sự chênh lệch phát triển giữa hai khối này trong nền kinh tế.
Trình bày dự thảo báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết 5 năm qua, 72 luật, 2 pháp lệnh và nhiều nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật đã được thông qua, có những đạo luật giữ vai trò nền tảng trong hệ thống pháp luật, nhiều luật hoặc chính sách mới lần đầu tiên được ban hành, tác động sâu sắc đến kinh tế - xã hội.
Trong nhiệm kỳ này, công tác giám sát của Quốc hội được chú trọng, hoạt động chất vấn có nhiều đổi mới, nhất là cách thức "hỏi nhanh, đáp gọn" giúp tăng số đại biểu Quốc hội chất vấn, tranh luận; chất lượng câu hỏi, câu trả lời cũng được nâng lên.
Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn được thực hiện nghiêm túc, công khai, góp phần tiếp tục phát huy dân chủ trong hoạt động của cơ quan dân cử. Kết quả lấy phiếu không chỉ là "thước đo" hiệu quả hoạt động của người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, mà còn là động lực để những người được tín nhiệm cao tiếp tục cống hiến, những người chưa được tín nhiệm cao phấn đấu khắc phục hạn chế...
Khóa XIV (2016-2021) là nhiệm kỳ thứ 14 của Quốc hội Việt Nam. Các đại biểu được bầu vào ngày 22/5/2016 với 496 người. Hiện nay số lượng đại biểu còn 483, do một số người không được công nhận tư cách đại biểu vào đầu nhiệm kỳ, được cho thôi nhiệm vụ để chuyển công tác, bị bãi nhiệm hoặc qua đời.
Kỳ họp thứ 11 sẽ là kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV. 23/5 là ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa mới, dự kiến 500 người, kỳ họp đầu tiên dự kiến diễn ra vào tháng 7.