Thảo luận đề án đổi mới chương trình-SGK sáng 20/11, đại biểu Nguyễn Xuân Trường cho biết, thời điểm này đã cần thiết phải ban hành nghị quyết về đổi mới chương trình-SGK, đáp ứng yêu cầu thực tiễn về công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước và giải quyết yếu kém của giáo dục phổ thông.
Đồng tình với chủ trương thực hiện một chương trình, nhiều bộ SGK, ông Trường đánh giá, đó là hướng đi phù hợp với xu thế của giáo dục hiện đại, tránh độc quyền trên nhiều lĩnh vực như biên soạn, in ấn... SGK, tạo nhiều sự lựa chọn cho giáo viên, học sinh.
"Bộ cần tổ chức biên soạn một bộ sách để đảm bảo yêu cầu lộ trình đổi mới, nhưng với điều kiện Bộ cũng ngang bằng với các tổ chức khác để đảm bảo tính công bằng, cạnh tranh", ông Trường nói.
Bên cạnh đó, tất cả các bộ sách do tổ chức, cá nhân và cả Bộ GD&ĐT viết đều phải qua Hội đồng quốc gia, thẩm định công khai. Vị đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng cũng đề nghị cần có quy định, giải pháp để các trường có tiêu chí lựa chọn sách vào giảng dạy.
Mong Quốc hội thông qua đề án ở kỳ họp này vì "chương trình SGK hiện hành khiến đa số học sinh rất vất vả", khó khăn trong quá trình tự học, đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh nhấn mạnh, giáo dục phải nâng tầm hiểu biết của con người chứ không phải đơn thuần truyền đạt kiến thức.
Việc thực hiện một chương trình, nhiều bộ SGK theo bà Hạnh đề xuất phải thống nhất toàn quốc về chuẩn đầu ra. Trên cơ sở giải pháp huy động tối đa những người am hiểu tham gia xây dựng, viết sách, Bộ nên công khai lấy ý kiến các nhà khoa học, những người am hiểu về giáo dục và tổ chức tiếp thu đầy đủ để khi trở thành chương trình cứng thì không còn vướng mắc, lại có được sự đồng thuận.
"Tôi đồng tình phải khuyến khích các cá nhân biên soạn, nhưng Bộ Giáo dục đồng thời biên soạn một bộ SGK. Cần phải xác định hội đồng quốc gia thẩm định độc lập để đảm bảo tính đa dạng, phong phú, nâng cao hiệu quả sử dụng SGK", nữ đại biểu nói.
Nhiều đại biểu bày tỏ sự chưa yên tâm về khả năng thành công của đề án khi không đặt trong tổng thể các đề án khác. Đại biểu Nguyễn Thùy Trang cho rằng cần ít nhất 2 đề án phụ trợ bên cạnh đổi mới chương trình-SGK là đề án phát triển đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất. "Đề nghị Bộ Giáo dục báo cáo thêm mục tiêu và kinh phí cho 2 đề án kia để đại biểu xem xét tổng thể trước khi thông qua", bà Trang kiến nghị.
Đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh cũng đồng ý, cùng với đổi mới chương trình - SGK, cần phải nói đến việc nâng cao kiến thức giáo viên. "Bộ cần lưu ý thêm đổi mới đào tạo tại các trường sư phạm vì đây là máy cái, cung cấp lực lượng tham gia và quyết định quá trình đổi mới", bà Hạnh nhấn mạnh.
Đại biểu Phạm Xuân Thăng góp ý, đổi mới chương trình không phải là đổi mới tri thức mà là đổi mới cách tiếp cận tri thức. Vì vậy, cần phân định rõ chương trình ở các cấp, nguyên tắc chuẩn mực khi biên soạn để đảm bảo tính khoa học và tính tiếp thu. Bộ Giáo dục nên viết theo hướng mở, không nên đưa các số liệu cụ thể ở những thời điểm đã cũ vào trong sách.
"Tôi nhất trí xã hội hóa cao, nhưng khi làm việc này đặt ra vấn đề là làm thế nào khi có sự cạnh tranh, đẩy mạnh thương mại hóa, biến giáo dục trở thành thị trường sôi động. Khi có cạnh tranh không lành mạnh, những học sinh nghèo sẽ khó tiếp cận những bộ sách có chất lượng nếu thiếu sự hỗ trợ của nhà nước", ông Thăng bày tỏ.
Vị đại biểu cũng đề xuất, nên thiết kế cả SGK bản điện tử nhằm hỗ trợ dạy và học, giảm chi phí, tạo hứng thú cho học sinh.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, có 17 đại biểu đã góp ý cho đề án đổi mới chương trình-SGK tại hội trường. "Nhiều đại biểu rất tâm đắc vì nội dung được thảo luận đúng vào Ngày nhà giáo Việt Nam, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với sự nghiệp giáo dục nước nhà. Bộ trưởng Giáo dục cũng được ưu tiên hơn các Bộ trưởng khác 3 phút", bà Phóng nói.
Đại biểu Quốc hội đã thống nhất thông qua nghị quyết tại kỳ họp này, đồng thời, nhất trí chủ trương sử dụng nhiều bộ SGK, trong đó Bộ Giáo dục chủ động biên soạn một bộ để kiểm soát được quá trình đổi mới, và phải công khai quá trình thẩm định SGK.
"Ủy ban thường vụ Quốc hội xin tiếp thu ý kiến đại biểu, chúng tôi sẽ cùng ban soạn thảo chỉnh sửa để xem xét thông qua nghị quyết vào cuối kỳ họp", bà Phóng nói.
Hoàng Thùy