Sáng 20/11, Phát biểu trước Quốc hội về về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, Bộ trân trọng tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội đã phát biểu tại tổ và tại hội trường hôm nay để thực hiện phương án đổi mới.
Bộ trưởng cho hay, biên soạn chương trình-SGK là một công việc khoa học, liên quan đến nhiều lĩnh vực. Trên thế giới, ở các nước có nền giáo dục phát triển, công việc này được làm một cách chuyên nghiệp (do các Viện nghiên cứu phát triển chương trình-SGK với hàng trăm chuyên gia đảm nhiệm). Còn ở Việt Nam, cho đến nay, chúng ta vẫn chưa có đánh giá và tổ chức nghiên cứu chuyên sâu về chương trình-SGK.
Cách làm của chúng ta là huy động các nhà giáo, nhà khoa học, các chuyên gia…tham gia biên soạn chương trình-SGK. Để từng bước khắc phục tình trạng này, Bộ đã cử chuyên gia, cán bộ đi học về khoa học phát triển chương trình-SGK để khi có đủ điều kiện sẽ thành lập Viện nghiên cứu Chương trình-SGK. Bộ Giáo dục cũng tập hợp, chắp nối, và bắt đầu công việc bồi dưỡng cập nhật kiến thức về biên soạn, thẩm định chương trình-SGK nói chung và nhất là chương trình-SGK phát triển năng lực, tranh thủ sự giúp đỡ của Bộ Giáo dục, các trường đại học, Viện nghiên cứu chương trình-SGK các nước giúp bồi dưỡng giáo viên..
Về vấn đề giao cho Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn một bộ sách, đồng thời khuyến khích các tổ chức và cá nhân biên soạn các bộ SGK khác, Bộ trưởng khẳng định việc này tuyệt nhiên không có lợi ích cục bộ, cá nhân, nhóm. Phương án xã hội hóa SGK cũng là do Bộ đề xuất, Chính phủ duyệt để trình Quốc hội phê duyệt.
"Biên soạn chương trình-SGK là công việc khó khăn, tỉ mỉ. Thực tiễn các lần làm sách trước đây lực lượng tham gia đều là những nhà giáo giỏi, cán bộ khoa học, các chuyên gia. Bộ lo tổ chức bộ máy vận hành, phát hiện, lựa chọn nhân sự, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để phục vụ quá trình biên soạn, thẩm định; hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, tập huấn, quán triệt, thảo luận …để thống nhất nhận thức chung", Bộ trưởng Luận cho hay.
Việc thẩm định do một hội đồng (nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia không tham gia viết sách) do nhiều cơ quan hữu quan giới thiệu, Hội đồng quốc gia giáo dục và Ủy ban Quốc gia về đổi mới giáo dục sẽ xem xét, xin ý kiến Thủ tướng trước khi thẩm định. Hội đồng sẽ hoạt động theo một quy chế riêng, đảm bảo tính độc lập và khách quan, đánh giá từng bộ/cuốn sách. Trên cơ sở kết luận của Hội đồng thẩm định, Bộ GD&ĐT sẽ ra quyết định…
Với phương án huy động xã hội hóa lần này, Bộ dự báo hai khả năng có thể xảy ra. Một là, cơ chế xã hội hóa sẽ giải phóng sức sản xuất của xã hội, nhiều nhóm tập thể biên soạn, sách viết ra sẽ tốt, kịp thời. Hai là, không có hoặc chưa có nhiều người tham gia, sách viết ra không đáp ứng yêu cầu và không kịp thời.
"Chúng tôi rất mong muốn khả năng thứ nhất xảy ra. Nhưng kinh nghiệm lịch sử lại cảnh báo khả năng 2 rất dễ xảy ra. Vì vậy phương án giao Bộ GD&ĐT chủ động biên soạn một bộ sách, đồng thời không biên soạn các bộ sách khác là để chủ động ứng phó với bất cứ tình huống nào xảy ra. Đây cũng là tính toán thận trọng, trong khi cái mới chưa xuất hiện thì không nên loại bỏ ngay cái đã có", ông Luận nói.
Vấn đề bình đẳng, công bằng giữa các tổ chức biên soạn SGK, một số ý kiến cho rằng cần cân nhắc xem xét theo hướng: Các nhóm biên soạn đều có điều kiện thuận lợi tương đương trong hoạt động chuyên môn, và đều có trách nhiệm (pháp lý, đạo đức) khi sử dụng tiền của ngân sách. Nhưng theo người đứng đầu ngành Giáo dục, có nhiều cách để đảm bảo sự công bằng này như các giải pháp kỹ thuật. Việc quyết định một vấn đề hệ trọng của giáo dục nên bàn bạc, cân nhắc kỹ chứ không chỉ căn cứ vào sự bình đẳng về kinh tế.
Một số đại biểu Quốc hội cho rằng trong điều kiện hiện nay chúng ta có đủ điều kiện để triển khai được mạnh và nhiều thế không? Đề án có tính khả thi không? Ông Luận cho hay, đây cũng là nội dung được cân nhắc thảo luận rất kỹ ở Ban chấp hành trung ương khi bàn về Đề án. Thực tế, cơ sở vật chất và đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã được bổ sung cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, ở một bộ phận cơ sở giáo dục, nhất là ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc vẫn còn nhiều khó khăn. Chính phủ đã có các đề án, chính sách, chương trình tương ứng để triển khai trong thời gian tới.
"Về phần mình, Bộ GD&ĐT đã quán triệt ngay từ khi xây dựng đề án trình Trung ương, các nội dung đổi mới chương trình-SGK (nội dung, phương pháp dạy, học, thi, kiểm tra đánh giá…) đều phải cập nhật (hệ thống, có chọn lọc) thành tựu khoa học giáo dục các nước phát triển, phù hợp với điều kiện hiện tại của phần lớn các nhà trường Việt Nam", Bộ trưởng cho hay.
Ông cũng báo cáo thêm, hiện Bộ Giáo dục đã thực nghiệm các phương án đổi mới này từ năm 2011 ở nhiều trường lớp trong đó có nhiều vùng khó khăn. Mô hình trường học mới đã triển khai ở 2.500 trường, chương trình tiếng Việt mới triển khai với 380.000 học sinh ở 4.000 trường, phương pháp bàn tay nặng bột từ 2014-2015 triển khai ở tất cả các trường trên toàn quốc. Với chương trình SGK hiện tại chúng ta đã đổi mới và có kết quả.
"Các thầy cô giáo ở vùng sâu, vùng xa tiếp nhận cái mới lúc đầu e dè, ngại ngùng, nhưng sau đó rất nhẹ nhàng, tự nhiên và rất nhanh, hiệu quả", Bộ trưởng nói và cho hay, ứng dụng CNTT, với sự hỗ trợ phối hợp của các đơn vị đã khai trương trường học kết nối trên mạng và nhiều chương trình giáo dục khác, giúp thầy cô giáo và các học sinh (nhất là vùng sâu, vùng xa) được học, tự học, tự bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ với những chuyên gia giỏi nhất của đất nước.
Hoàng Thùy