-
11h25
'Ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt liệu có như SCB?'
Tranh luận, đại biểu Phạm Văn Hòa bày tỏ yên tâm khi nghe Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trả lời về tín dụng. Tuy nhiên, ông và cử tri bày tỏ lo ngại khi có 4 ngân hàng thương mại cổ phần đang trong vòng kiểm soát đặc biệt của các Ngân hàng nhà nước.
"Liệu các ngân hàng này có xảy ra như vụ SCB nữa hay không, để khách hàng gửi tiền yên tâm", ông Hòa chất vấn bà Hồng và lo lắng "việc kiểm soát đặc biệt một số ngân hàng là điều rất nguy hiểm".Phần tranh luận của ông Hòa sẽ được Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trả lời đầu giờ chiều nay.
Đại biểu Phạm Văn Hòa. Ảnh: Media Quốc hội
-
11h20
Tận dụng cơ sở dữ liệu dân cư để cho vay nhỏ lẻ
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Bí thư Huyện ủy Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh) nói tín dụng đen vẫn len lỏi không chỉ ở vùng nông thôn mà ngay cả thành thị, thậm chí một số nơi đang có dấu hiệu hoạt động mạnh trở lại. Ông đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết nguyên nhân, nêu giải pháp ngăn chặn.
Ông Huỳnh Thanh Phương, Bí thư Huyện ủy Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh chất vấn sáng 6/11. Ảnh: Hoàng Phong
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói vấn đề này được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội rất quan tâm. Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước có rất nhiều biện pháp để tăng khả năng tiếp cận tín dụng ở các kênh chính thức như hoàn thiện hành lang pháp lý tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận tín dụng của các công ty tài chính và công ty tài chính tiêu dùng; sửa đổi quy định để người dân được cấp tín dụng qua các phương thức điện tử để tạo thuận lợi.
Thời gian qua, Bộ Công an đã triển khai hệ thống dữ liệu dân cư quốc gia, Ngân hàng Nhà nước đã ký kế hoạch thúc đẩy tổ chức tín dụng tham gia hệ thống dữ liệu này để tiến tới cho vay tín chấp các khoản nhỏ lẻ để hạn chế tín dụng đen. Bà đề nghị UBND các cấp, tổ chức chính trị xã hội nắm bắt thông tin để giúp người dân có nhu cầu được vay vốn chính đáng, hạn chế phải tìm đến tín dụng đen.
-
11h15
Vì sao chưa bỏ bảo hiểm xe máy bắt buộc?
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc nêu vấn đề, cử tri nhiều lần phản ánh mua bảo hiểm trách nhiệm bắt buộc với xe máy chưa mang lại lợi ích thiết thực bởi thủ tục bồi thường khó khăn, phức tạp. Mua bảo hiểm này chủ yếu để cơ quan chức năng không phạt. "Bộ trưởng Tài chính có giải pháp gì để bảo hiểm xe máy mang lại lợi ích cho người dân. Ông nghĩ sao về ý kiến đề xuất không bắt buộc mua bảo hiểm xe máy mà để người dân tự nguyện", bà Phúc hỏi.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc chất vấn Bộ trưởng Tài chính sáng 6/11. Ảnh: Giang Huy
Trả lời, ông Phớc nói bảo hiểm xe cơ giới được quy định tại các luật Giao thông đường bộ và Luật bảo hiểm nên mang tính bắt buộc. Thời gian qua, tai nạn xe máy chiếm 64% các vụ tai nạn giao thông. Từ năm 2021 đến 9/2023, các công ty bảo hiểm chi trả cho các vụ tai nạn xe máy gần 2.300 tỷ đồng. "Điều này thể hiện các quy định đã bảo vệ người lái xe máy. Họ đa số là người nghèo", ông nói.
Nếu bị tai nạn được chi trả tối đa 150 triệu đồng. Xe bị tai nạn được chi trả 50 triệu.
Về giải pháp tạo thuận lợi việc chi trả, ông nói đã có các hướng dẫn, trong ba ngày phải chi trả cho người dân bị tai nạn. Nếu người dân bị ảnh hưởng tính mạng mới cần biên bản hồ sơ của công an. Nếu không bị ảnh hưởng tính mạng thì chỉ cần hình ảnh là công ty bảo hiểm phải chi trả. -
11h05
Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư: Chế biến sâu, không xuất thô đất hiếm'
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Phó đoàn Bình Dương) cho biết nước ta có trữ lượng đất hiếm khoảng 22 triệu tấn, đứng thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc. Đây là cơ hội rất lớn để Việt Nam khai thác, tham gia vào chuỗi sản xuất cung ứng chip bán dẫn toàn cầu.
Tuy nhiên, sản lượng chỉ có 1.000 tấn/năm do chưa có công nghệ khai thác, sản xuất, chế biến sâu, trong khi các nước giữ bí quyết công nghệ độc quyền. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng nêu chính sách phát triển đột phá trong lĩnh vực này nhất là thu hút đầu tư, phát triển nhân lực chất lượng cao và cải cách thể chế.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết đất hiếm là rất cần thiết cho phát triển công nghệ bán dẫn, trữ lượng của nước ta cho thấy sự cần thiết khai thác hiệu quả nguồn kháng sản này. Trước hết, ta cần tập trung thu hút đầu tư với các nước có trình độ cao trong lĩnh vực này như Nhật, Mỹ; cần có chính sách chế biến sâu, không xuất thô loại khoáng sản này.
"Quan trọng nhất phải phát triển ngành bán dẫn ở Việt Nam, tham gia chuỗi cung ứng và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên sẵn có và tập trung nghiên cứu phát triển trong lĩnh vực này để đào tạo nhân lực", ông Dũng nói.
-
11h00
Cần cả hệ thống vào cuộc để xây một triệu căn nhà xã hội
Đại biểu Nguyễn Anh Trí tranh luận với Thống đốc Nguyễn Thị Hồng về giải ngân vốn cho xây dựng một triệu nhà ở xã hội. Ông nói đây là chủ trương đúng và nhân văn của Chính phủ. Ông nhận xét bà Hồng trả lời đúng nhưng bổ sung thêm là không chỉ cần ngân hàng vào cuộc mà còn Bộ Xây dựng, địa phương, công đoàn, các cơ quan, đơn vị và người lao động từ bố trí địa điểm, diện tích, chất lượng, mức giá. Từ đó mới đáp ứng yêu cầu người lao động và từ đó mới thành công được.
"Đây là đề án nhân văn và cần thiết, mong Thủ tướng chỉ đạo đạt được đồng thuận thống nhất cùng nhau làm thì mới thành công", GS Trí nói.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí. Ảnh: Media Quốc hội
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhất trí với ông Trí. Chương trình hướng đến xây dựng một triệu nhà ở xã hội trong 10 năm rất nhân văn, cần dùng nhiều nguồn lực tài chính. Nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp cho lao động và công nhân rất lớn nhưng nhu cầu vay vốn là sự cân nhắc của người dân, nên có thể thông qua vay vốn nhưng có phần từ nguồn lực Nhà nước để giải quyết vấn đề nhà ở cho họ.
Từ góc độ Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng triển khai gói 120.000 tỷ đồng. Gói này cũng mở rộng ra các ngân hàng thương mại cổ phần khác tham gia, đến nay có một ngân hàng tham gia 5.000 tỷ đồng, nâng gói lên. Nếu có ngân hàng khác tham gia, gói vay này sẽ nâng lên.
"Việc này cần sự vào cuộc của toàn hệ thống, các địa phương, bộ ngành để gỡ khó khăn vướng mắc, đạt được mục tiêu của chương trình", bà Hồng nói.
-
10h50
'Quản lý tài sản công rất có vấn đề'
Tranh luận về việc quản lý tài sản công với Bộ trưởng Tài chính, đại biểu Nguyễn Tạo nói rằng cử tri lo lắng về tình trạng lãng phí và tiêu cực trong quản lý và sử dụng tài sản công. Những bất cập, lỗ hổng pháp lý Bộ trưởng đã nói ra nhưng thời gian qua xảy ra nhiều vụ việc liên quan quản lý nhà đất, công sản ở đô thị. Từ đó cho thấy thước đo, niềm tin của người dân "là quản lý tài sản công rất có vấn đề".
Bộ trưởng nói sẽ điều chỉnh cơ chế chính sách "nhưng tôi băn khoăn là làm chậm quá, mà chậm thì sẽ còn nhiều tiêu cực, lãng phí phát sinh", ông Tạo nói và đề nghị qua kiểm toán phải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị.
Đại biểu Nguyễn Tạo. Ảnh: Media Quốc hội
Đáp lại, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói rằng việc quản lý tài sản công là của nhiều ngành, nhiều cấp. Trách nhiệm thuộc về người trực tiếp quản lý tài sản công. "Như quản lý ôtô, nhà thuộc trách nhiệm từng đơn vị thì khi hỏng các đơn vị phải chịu trách nhiệm. Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý và sử dụng tài sản công. Vấn đề là cần nâng cao trách nhiệm quản lý tài sản công", ông nói và bày tỏ tiếp thu ý kiến của đại biểu Nguyễn Tạo để kiểm tra, đôn đốc việc này.
-
10h40
Tranh luận dự án nâng cấp, cải tạo là 'chi thường xuyên' hay 'đầu tư'?
Ông Trần Chí Cường, Phó chủ tịch TP Đà Nẵng, đặt vấn đề Luật Ngân sách nhà nước quy định về sử dụng chi thường xuyên ngân sách nhà nước để mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động của bộ máy. Tuy vậy, Luật Đầu tư công lại quy định về tính chất của dự án đầu tư công dẫn tới cách hiểu, cho rằng toàn bộ các dự án xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, mua sắm tài sản, sửa chữa, nâng cấp... đều phải sử dụng nguồn vốn đầu tư công.
"Việc này dẫn tới chồng lấn với các quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật chuyên ngành khác trong việc sử dụng chi thường xuyên để mua sắm, sửa chữa, nâng cấp tài sản công", ông nói, và đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính làm rõ các giải pháp để giải quyết?", ông hỏi.
Ông Trần Chí Cường, Phó chủ tịch TP Đà Nẵng, chất vấn sáng 6/11. Ảnh:Hoàng Phong
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết định mức xây dựng với công trình giao thông và công trình kiến trúc đang được kiểm soát chặt chẽ và được thực tế kiểm nghiệm qua hàng chục năm và rất nhiều công trình. Ông cho rằng không có gói thầu lãng phí mà nhiều định mức còn thấp so với thực tế chi phí. Như nhân công định mức cao nhất chỉ có 300.000 đồng, nhưng ở bên ngoài phải thuê đến 500.000 đồng một ngày.
"Lãng phí ở đầu tư công, chúng tôi không nghĩ là do định mức mà nằm ở quá trình triển khai như ăn bớt khối lượng, chất lượng hoặc để thời gian thực hiện quá dài, lãng phí không đưa vào sản xuất, sử dụng, thiếu vốn, hay vốn chờ thủ tục", ông Phớc nói.
Bổ sung, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, vướng mắc ở đây "có lẽ không hẳn do Luật Đầu tư công, mà có vướng ở luật Ngân sách nhà nước". Theo ông, việc sửa chữa, nâng cấp các dự án tài sản công hiện triển khai bình thường, không vướng mắc, chỉ dự án xây mới thì phải thực hiện quy trình theo luật đầu tư công. Ông cho hay Chính phủ đang trình Quốc hội, việc dự án dưới 15 tỷ đồng thì được thực hiện theo chi thường xuyên.
Liên quan tới tiết kiệm trong đầu tư công, ông Dũng bổ sung, có thể thất thoát từ khâu chọn dự án, tức "cái cần làm trước, cái chưa cần làm thì lại làm". Ngoài ra, quy mô dự án được xây dựng, làm ở cấp thấp, rồi sau đó lại mở rộng, nâng cấp nên tốn thêm kinh phí bổ sung. Ví dụ, hiện nhiều cao tốc xây dựng. hai làn, giờ giờ mở rộng thì rất tốn kém.
Không hài lòng sau phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói thêm về ranh giới giữa chi thường xuyên và chi đầu tư. Ông cho hay, theo tờ trình của Chính phủ, các cơ quan Quốc hội khẳng định và trả lời Chính phủ, rằng trong thực tiễn, không có văn bản pháp luật, trường hợp nào quy định mức chi thường xuyên, chi đầu tư là căn cứ vào giá trị số tiền.
"Không phải trên 15 tỷ đồng là đầu tư công, còn dưới 15 tỷ đồng là chi thường xuyên. Chúng ta chi lương, giáo dục đào tạo là chi hàng trăm tỷ, đây là tính chất khoản chi chứ không phải căn cứ vào giá trị của khoản chi", ông nói.
Chủ tịch Quốc hội cho hay, các cơ quan của Quốc hội cho biết không vướng mắc gì trong Luật Đầu tư công, đề nghị Chính phủ rà soát xem có vướng mắc trong Luật Ngân sách hay không, và kết quả là cũng không vướng mắc gì. Do đó, Quốc hội đưa việc giải quyết Nghị quyết đặc thù chi thường xuyên, đầu tư ra khỏi chương trình.
"Trường hợp nếu Chính phủ, các bộ thấy trách nhiệm giải thích pháp luật của các Ủy ban Thường vụ Quốc hội như thế nào, thì phải có đề xuất, Thường vụ Quốc hội mới giải thích được, chứ Thường vụ Quốc hội không giải thích những gì đã rõ, nội dung không ai yêu cầu giải thích", ông nói.
Chủ tịch nói thêm, vấn đề này đã tranh luận nhiều, tại diễn đàn Quốc hội, tôi nhớ Bộ trưởng Tài chính nói ‘từ nay không nêu lại vấn đề này", hôm nay Bộ trưởng lại nói lại. Vì đã 3 lần chúng tôi đã trả lại văn bản này cho Chính phủ. Có liên quan gì đến Luật Ngân sách hay không trong lần rà soát này, Bộ Tài chính cũng không nói có vấn đề gì phải rà soát
Ở khía cạnh này, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, đã nghiên cứu kỹ Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách. Theo đó, Luật Đầu tư công 2014 "trói" tất cả dự án sửa chữa, nâng cấp mở rộng tài sản công không phân biệt giá trị dự án bao nhiêu tiền. Ngoài ra, nếu dự án không có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn thì không được chi, theo Luật Đầu tư công.
Kế hoạch đầu tư công trung hạn hàng năm phải phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn cả giai đoạn, nếu không vi phạm. Tức là, chi phí làm quy hoạch, chi phí chuẩn bị đầu tư, và các vấn đề hỗ trợ lãi suất cũng đưa vào luật đầu tư công.
Điều này dẫn tới thực trạng, Nhà nước nợ 2.200 tỷ đồng các ngân hàng thương mại nhưng chưa bố trí kinh phí được để hỗ trợ các ngân hàng chính sách. Hay nhiều nơi nhà cửa hỏng mà không có kinh phí sửa. "Chẳng hạn, đại sứ quán Việt Nam tại Đức thiếu hàng rào, nhưng Luật Đầu tư công không bố trí vào trung hạn, không làm được hàng rào, đấy là sự thật", ông nói.
Ông đề nghị phải giải quyết vấn đề này để đảm bảo kinh tế phát triển, không vướng cho cán bộ làm, không sai phạm khi làm theo chỉ đạo. Ông giải thích thêm rằng, tại một kỳ họp, ông nói "không nêu vấn đề này nữa là do đã trình ba lần rồi, mệt quá nên không nói nữa, chứ không phải đồng ý".
-
10h30
Việt Nam phấn đấu sớm nâng hạng thị trường chứng khoán
Đại biểu Trần Văn Tuấn đề nghị Bộ trưởng Tài chính cho biết kết quả xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam do các tổ chức quốc tế đánh giá. "Chính phủ có giải pháp gì cải thiện mức tín nhiệm quốc gia Việt Nam và nâng lên mức xếp hạng đầu tư để cải thiện khả năng huy động vốn cho doanh nghiệp", ông hỏi.
Trả lời, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói vừa qua mức tín nhiệm quốc gia của Việt Nam được đánh giá rất cao. S&P đánh giá Việt Nam hạng BB+ là triển vọng và ổn định. Còn Moody's xếp Việt Nam là BAA2 nghĩa là triển vọng và ổn định. Điều đó cho thấy các tổ chức quốc tế rất quan tâm đến xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam. Khi xếp hạng tín nhiệm quốc gia được nâng lên tạo niềm tin cho tổ chức tài chính và nhà đầu tư quốc tế, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế đất nước.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn Quốc hội sáng 6/11. Ảnh: Ngọc Thành
Ông kể chuyến tháp tùng Thủ tướng đến Mỹ vừa qua và nhận những câu hỏi từ các tổ chức xếp hạng tín nhiệm này. Họ hỏi cách Việt Nam giải quyết nợ ngân hàng, nợ trái phiếu tăng cao, ách tắc giải ngân đầu tư công và phục hồi thị trường bất động sản. "Sau khi tôi giải thích các giải pháp của Chính phủ, họ rất hài lòng và tin tưởng", ông Phớc nói.
Đồng thời, Bộ Tài chính đang chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm nâng hạng thị trường chứng khoán. Ủy ban Chứng khoán đã làm việc tại Mỹ để họ hiểu hơn về thị trường tài chính Việt Nam.
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang tại phiên chất vấn sáng 6/11. Ảnh: Ngọc Thành
-
10h25
Một nửa tài sản công tại các huyện, xã sau sắp xếp bị bỏ không
Bà Đoàn Thị Thanh Mai, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, đặt vấn đề về hàng nghìn tài sản công tại các huyện, xã đang bỏ không, để lãng phí sau sắp xếp. Bà đề nghị Bộ trưởng Tài chính nêu rõ nguyên nhân và hướng xử lý.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, trách nhiệm các đơn vị trong quản lý tài sản công được phân định rõ theo từng cấp, ngành. Như các tài sản công thuộc bộ ngành quản lý thì trách nhiệm thuộc Chính phủ và cơ quan tham mưu là Bộ Tài chính. Còn đa số tài sản công trực thuộc phạm vi quản lý UBND tỉnh khi sắp xếp huyện, xã sẽ do tỉnh quản lý. Với số này, hiện đã xử lý được 90% tài sản công, còn 10% tương đương gần 1.000 tài sản công chưa được xử lý, trong đó một nửa là bỏ không, gây lãng phí.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn sáng 6/11. Ảnh: Ngọc Thành
Ông nêu nguyên nhân, việc định giá bán tài sản công gặp khó, cũng khó tìm cơ quan định giá, trong khi thị trường trầm lắng nên việc bán, chuyển nhượng cũng khó khăn. Ngoài ra, muốn chuyển mục đích tài sản công thì phải phê duyệt lại mục đích sử dụng đất, và điều chỉnh quy hoạch và loạt thủ tục khác. Từ giữa tháng 9 Bộ Tài chính đã hướng dẫn, đôn đốc và sẽ làm việc với các đơn vị để đưa số tài sản này vào hoạt động, hiệu quả.
-
10h20
Thống đốc: Chưa thể bỏ phân bổ chỉ tiêu tín dụng
Đại biểu Trần Thị Vân bày tỏ quan tâm đến giải pháp đạt được chỉ tiêu tín dụng hằng năm. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm chỉ đạt 5,91%. "Đề nghị Thống đốc cho biết nguyên nhân và giải pháp của Ngân hàng Nhà nước để tăng trưởng tín dụng đạt 14% như mục tiêu đề ra trong khi chỉ còn hai tháng nữa là hết năm 2023", bà Vân chất vấn.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn sáng 6/11. Ảnh: Ngọc Thành
Trả lời, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói, lý do tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm thấp bà đã từng giải trình trước đó khi thảo luận về kinh tế - xã hội. "Nguyên nhân chủ yếu là do cầu tín dụng, với doanh nghiệp đơn hàng giảm sút, khả năng khai thác cầu nội địa khó khăn do người dân khó khăn sau đại dịch Covid-19. Nguồn cung tín dụng được điều hành theo hướng thuận lợi nhất cho các ngân hàng cung tín dụng", bà nói.
Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo rút ngắn thủ tục cho vay hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Điều kiện tín dụng với doanh nghiệp nhỏ và vừa được cải thiện.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân hỏi, Nghị quyết Quốc hội yêu cầu nghiên cứu hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng với các ngân hàng. Ông đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết đã triển khai thực hiện chủ trương này thế nào?
Trả lời, bà Hồng nói chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được điều hành bám sát theo yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ. Mức tăng trưởng tín dụng hàng năm được Ngân hàng Nhà nước đưa ra định hướng đầu năm. Còn phân bổ hạn mức tín dụng dựa theo xếp hạng các tổ chức tín dụng, có tiêu chí rõ ràng về định lượng, định tính.
Nghị quyết Quốc hội yêu cầu nghiên cứu cách thức điều hành tín dụng này thì Ngân hàng nhà nước đã thống nhất "ở thời điểm này chưa thể bỏ cách điều hành phân bổ chỉ tiêu tín dụng". Bởi hiện nay nhu cầu vốn nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào tín dụng, nếu bỏ chỉ tiêu tín dụng làm cho tăng trưởng tín dụng trong khi tăng trưởng tín dụng Việt Nam đang ở mức cao trên GDP theo cảnh báo của WB.
"Chúng tôi tiếp tục điều hành bằng cách này đến khi các phân khúc khác của thị trường tài chính như trái phiếu doanh nghiệp đáp ứng được nhu cầu thì việc bỏ cách điều hành phân bổ chỉ tiêu tín dụng sẽ khả thi hơn", Thống đốc cho hay.