Cuộc bỏ phiếu được các nghị sĩ đảng Bảo thủ, đảng Tự do, đảng Dân chủ Mới, Khối Québécois và đảng Greens thực hiện hôm 22/2.
Thủ tướng Justin Trudeau và các thành viên cấp cao trong nội các không tham dự cuộc bỏ phiếu. Tất cả thành viên còn lại của đảng Tự do đều bỏ phiếu ủng hộ đề xuất này, trừ Ngoại trưởng Marc Garneau, người thay mặt chính phủ bỏ phiếu trắng.
Các nghị sĩ cũng kêu gọi áp đặt biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc và chuyển Thế vận hội Mùa đông Olympic sắp tới khỏi Bắc Kinh.
Trước cuộc bỏ phiếu, lãnh đạo đảng Bảo thủ Erin O'Toole nói động thái này là cần thiết để gửi "tín hiệu rõ ràng và dứt khoát rằng chúng ta sẽ đứng lên vì nhân quyền và giá trị của nhân quyền, ngay cả khi phải hy sinh một số cơ hội kinh tế".
Với động thái này, Canada trở thành quốc gia thứ hai trên thế giới, sau Mỹ, mô tả việc Trung Quốc đối xử với người Duy Ngô Nhĩ là tội diệt chủng. Một cuộc bỏ phiếu tương tự ở Anh đã thất bại đầu tháng này.
Thủ tướng Trudeau, người đảng Tự do cầm quyền nhưng không chiếm đa số quốc hội, trước đó lên tiếng phản đối đề nghị bỏ phiếu, nói với phóng viên rằng diệt chủng là thuật ngữ "cực kỳ nặng nề" và cần phải nghiên cứu thêm vấn đề này trước khi đưa ra quyết định.
Động thái của quốc hội Canada có thể sẽ mang lại loạt thách thức chính trị mới cho Thủ tướng, người đã cố gắng cân bằng giữa việc đẩy lùi các "hành động thù địch" của Trung Quốc và duy trì quan hệ thân ái với Bắc Kinh trong những năm gần đây .
Đại sứ Trung Quốc tại Canada cuối tuần trước chỉ trích cuộc bỏ phiếu, nói với báo chí Canada rằng quan chức ở Ottawa nên tránh xa chính trị nội bộ của Trung Quốc. "Chúng tôi kiên quyết phản đối điều đó vì nó đi ngược sự thật, và nó giống như can thiệp vào công việc đối nội của chúng tôi", đại sứ Tùng Bồi Vũ nói. "Không có gì giống nạn diệt chủng xảy ra ở Tân Cương".
Quan hệ Canada - Trung Quốc căng thẳng đáng kể kể từ khi Canada bắt giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu theo đề nghị của Mỹ cuối năm 2018. Chỉ trong vài ngày, hai công dân Canada là Michael Kovrig và Michael Spavor bị bắt tại Trung Quốc với cáo buộc gián điệp. Canada mô tả việc bắt giam hai công dân của họ là "ngoại giao con tin".
Hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ được cho là bị giam trong các trại cải huấn ở Tân Cương, cùng các cáo buộc cưỡng hiếp và bạo lực tình dục trong những cơ sở này. Trung Quốc phủ nhận những cáo buộc như vậy, mô tả các cơ sở này là trung tâm giáo dục và dạy nghề nhằm đẩy lùi chủ nghĩa cực đoan.
Phát biểu tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc hôm 22/2, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói rằng việc họ đối xử với các dân tộc thiểu số ở Tân Cương và Tây Tạng "nổi bật như những tấm gương sáng về tiến bộ nhân quyền của Trung Quốc". "Chưa bao giờ có cái gọi là diệt chủng, lao động cưỡng bức hay đàn áp tôn giáo ở Tân Cương", ông Vương nói.
Huyền Lê (Theo AFP, Guardian)