Vanuatu, quốc gia có dân số chưa tới 300.000 người, gồm 80 hòn đảo lớn nhỏ cách Australia 1.800 km về phía đông, là một trong số ít nơi trên thế giới chưa có người nhiễm nCoV. Một số quốc gia ở châu Phi vẫn chưa có người nhiễm, nhưng phần lớn những nơi chưa có ca nhiễm đều nằm ở Thái Bình Dương.
Với những đảo quốc như Vanuatu, Palu, Solomon, Tonga hay Samoa, địa lý xa xôi là tấm rào bảo vệ hữu hiệu, nhưng chính địa lý, cùng mức thu nhập thấp và cơ sở hạ tầng y tế thiếu thốn sẽ khiến những quốc gia này rất dễ bị tổn thương nếu Covid-19 ập tới.
Sáng 6/4, 62 hành khách chuẩn bị làm thủ tục rời khu nghỉ mát bao quanh bởi hàng rào cọ xanh mướt và nhìn ra bãi biển ở Port Vila, thủ đô Vanuatu. Tuy nhiên, thay vì tới sân bay, họ đang hồi hộp chờ đợi về nhà với người thân.
62 người này bị cách ly 14 ngày ở Port Vila dưới sự giám sát của Bộ Y tế. Họ là những người cuối cùng nhập cảnh vào đất nước trước khi Vanuatu đóng cửa biên giới để phòng ngừa Covid-19.
Hai con của Ariitaimai Salmon nằm trong số những người bị cách ly khi từ Sydney về nước. Một người học trung học, một người học đại học ở Australia.
"Với các con tôi, được phép về nhà, dù phải cách ly hai tuần, đều đáng giá", Salmon nói. Hai con của cô trông chừng và chơi đùa cùng nhau. "Hai đứa rất vui vì được trở lại Vanuatu".
Salmon điều hành và quản lý khách hàng của Au Bon Marche, chuỗi siêu thị lớn nhất Vanuatu. Vài tuần qua, cô liên tục trấn an người dân rằng siêu thị có đủ thực phẩm cho cả nước, dù biên giới đã đóng cửa.
Au Bon Marche là một trong số ít công ty vẫn tồn tại được sau tác động của nCoV. Với lĩnh vực khách sạn và du lịch, ngành đóng góp 40% GDP cho Vanuatu, nhiều người tự hỏi làm thế nào để hồi phục khi mất khách.
Du thuyền ngừng hoạt động. Air Vanuatu, hãng hàng không quốc gia, dừng mọi chuyến bay vô thời hạn. Nhiều nhà hàng và khách sạn tự nguyện đóng cửa, trong khi một số nhà hàng khác mở cửa cầm cự trong lệnh hạn chế của chính phủ, khi đóng cửa vào 19h30, trước giờ giới nghiêm từ 21h tới 4h.
Dọc theo con phố chính ở Port Vila, các bồn rửa tay di động đặt bên ngoài cửa hàng, ngân hàng và nhà hàng. Theo quy định ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, mọi doanh nghiệp đều phải bỏ tiền túi lập nơi rửa tay nhằm nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh.
Nakamals, thứ đồ uống nổi tiếng địa phương, cũng đối mặt với những thay đổi mạnh mẽ do lo ngại vấn đề vệ sinh. Trong những quán bar phục vụ nakamals, người ta dùng chung bát uống. Bây giờ, mọi quán bar chỉ bán mang đi.
Trong quán Blue Galaxy Nakamal ở ngoại ô thành phố, Kelsie Java đang đeo găng tay dùng một lần đổ đầy nakamals vào chai nhựa để bán cho khách.
"Bình thường tôi mở cửa đến nửa đêm, nhưng giờ chúng tôi mở hàng lúc 16h30 và đóng cửa lúc 19h30, chúng tôi cũng chỉ phục vụ khách mua mang đi", Java nói. "Vài khách hàng muốn tôi mở cửa để vào tiệm uống, nhưng tôi giải thích không được phép. Cảnh sát sẽ đi kiểm tra để đảm bảo chúng tôi tuân thủ quy định".
Nhiều doanh nghiệp khác phải đóng cửa hoàn toàn. Christoph Tahumpir, một doanh nhân địa phương xuất khẩu gỗ đàn hương sang Trung Quốc, phải dừng kinh doanh khi mọi cảng biển đều đóng cửa. Ông lo ngại tình trạng thất nghiệp gia tăng nhưng đồng ý cần đóng cửa biên giới.
"Nếu nCoV ập tới, nó sẽ ảnh hưởng tới người lớn tuổi trong gia đình tôi, tôi không thể vào viện thăm họ. Thật đáng buồn", ông bày tỏ.
Kalfau Moli, cựu thành viên quốc hội, đã xoay xở lên chuyến bay cuối cùng từ đảo Malo tới Port Vila trước khi mọi chuyến bay nội địa bị hủy.
"Là một người cha và là một công dân, tôi rất lo lắng. Chúng tôi không có đủ cơ sở hạ tầng để xử lý virus", Moli nói. "Chúng tôi thậm chí không có nước để rửa tay".
Russel Tamata, phát ngôn viên chính của nhóm cố vấn xử lý Covid-19 cho chính phủ, bảo vệ những biện pháp quyết liệt mà nhà nước đưa ra.
"Chúng tôi hiểu rõ virus lây lan như thế nào. Văn hóa và cách sống của chúng tôi là điều kiện lý tưởng cho virus phát triển. Nếu nCoV ập tới, mọi việc sẽ thành thảm họa. Tại thời điểm này, chúng tôi phải thắt chặt biên giới. Nếu nCoV xâm nhập vào Vanuatu, nó sẽ lây lan rất nhanh, còn chúng tôi đơn giản là không đủ nguồn lực và hạ tầng để đối phó. Chỉ một sai lầm nhỏ sẽ gây ảnh hưởng cực kỳ nặng nề".
Trung Quốc cam kết cung cấp đủ vật tư y tế đến hết tháng 4 cho Vanuatu để xây dựng các cơ sở Điều trị tích cực (ICU) ở Port Vila, bao gồm cung cấp máy trợ thở. Bệnh viện Trung ương Vanuatu đã chuyển đổi khu giường bệnh dành cho bệnh nhân lao thành khu cách ly, nhưng cả bệnh viện chỉ có 20 giường.
"Nếu bệnh nhân trở nặng, cả nước chỉ có hai máy trợ thở", Tamata nói. "Chúng tôi có 60 bác sĩ, nhưng đa số mới tốt nghiệp. Gần đây, chúng tôi mới tiếp nhận đợt y tá thứ ba thuê từ Solomon để phục vụ ở 6 tỉnh trên cả nước do thiếu nhân lực".
Do địa phương thiếu y tá, từ giữa năm 2019, Vanuatu đã thuê họ tới làm việc. Tamata cho hay một trong những thách thức lớn nhất là quản lý thông tin thất thiệt. Khi Vanuatu tuyên bố tình trạng khẩn cấp hai tuần trước vào 26/3, chính phủ đã yêu cầu truyền thông không công bố bất kỳ bài báo nào về Covid-19 trừ khi nhận được ủy quyền từ Văn phòng Quản lý Thảm họa Quốc gia (NDMO), dù các nhà bình luận bày tỏ nỗi lo về quyền tự do báo chí.
"Nhiều từ khoa học không thể dịch chính xác sang tiếng Bislama, vì vậy rất dễ hiểu sai. Quản lý thông tin trong thời điểm này rất quan trọng bởi nỗi sợ có thể ảnh hưởng tới công việc chúng tôi đang làm", Tamata nói.
Nhưng trong khi Vanuatu đang chuẩn bị ứng phó Covid-19, thì lỗ hổng xuất hiện khi cơn bão nhiệt đới Harold cấp 5 đổ bộ vào quốc đảo sáng 7/4, mang theo mưa lớn trút xuống những hòn đảo phía bắc Vanuatu.
Dù chưa rõ thiệt hại nhưng hình ảnh từ đảo Espiritu Santo và Malo cho thấy làng mạc bị tàn phá nặng nề. Những biện pháp mà chính quyền đưa ra nhằm đối phó Covid-19 như không tụ tập quá 5 người nơi công cộng nay phải nới lỏng, khi nhiều người phải tập trung thành nhóm lớn để trú ẩn trong trung tâm sơ tán.
Vanuatu đã quen với thảm họa. Đây là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất thế giới khi xảy ra thảm họa thiên nhiên. Chỉ trong tuần qua, NDMO đã phải đối phó với lũ lụt và tro bụi núi lửa. Nếu thêm cả Covid-19, đây sẽ là điều quá sức với quốc đảo dễ bị tổn thương này.
Hồng Hạnh (Theo Guardian)