Những ngày còn nhỏ, cứ mỗi dịp đến ngày lễ hay Tết, tôi cùng mẹ về quê ngoại chơi và ngủ lại.
Những lúc hoàng hôn xuống, ngoại thường đưa tôi ra ngoài bắt chuồn chuồn hoặc ngồi ngắm cảnh kể chuyện cho tôi nghe. Nhìn lên ngọn núi tối sẫm dần, lắng nghe những tiếng chim thánh thót gọi nhau tìm nơi trú ngụ. Nhìn những bóng cây cao trên núi in lên bầu trời thành hình những con vật nuôi giống như trâu như ngựa, cũng có cây như gà vịt, ngỗng.... ngoại thường nói vui đó là vật nuôi của thần núi. Ở phía gần giếng nước đầu làng có cây gạo to cao sừng sững mang nặng trên thân mình một lớp lá trầu không dày đặc bám từ gốc đến gần ngọn, trông cây gạo như một cây cột gì đó rất khổng lồ được bao bọc bởi lớp nỉ vậy.
Mỗi mùa xuân đến, hoa gạo đỏ rực rụng xuống cạnh giếng, chúng tôi thường rủ nhau ra nhặt gom lại, bẻ cây que cắm từng bông và bó thành bó mang về tặng cho ngoại và cả mẹ nữa. Khi tôi hỏi không biết cây gạo ấy bao nhiêu tuổi mà trông khổng lồ vậy ngoại nhỉ? Ngoại nhoẻn miệng cười và nói từ lúc ngoại mới đến làm dâu đã thấy cây gạo ấy vốn đứng đó giữ làng bản, giữ nước vậy rồi ngoại cũng chẳng biết cây gạo ấy bao nhiêu tuổi nữa.
Những lần về thăm ngoại như thế, khi giây phút tôi cùng mẹ tạm biệt ngoại đi về, ngoại thường tiễn hai mẹ con tôi ra cửa, ngoài quà biếu bằng bánh hay gì đó ngoại thường dúi vào tay tôi quả trứng luộc vẫn còn âm ấm để cho tôi ăn khi đi đường và biếu thêm con gà con chừng lớn hơn nắm tay người lớn. Mỗi lần như thế tôi lại háo hức cảm ơn ngoại và cảm thấy yêu ngoại và quê ngoại nhiều hơn...
Nay cái dáng ngoại khom khom lưng mỗi lần đưa tiễn mẹ con tôi ra về chẳng còn nữa. Đến thăm nhà ngoại và thăm bác, bác cháu tôi trò chuyện trước khi ra về, tôi nhìn về phía giếng nước đầu làng cây gạo trông như cây cột khổng lồ chẳng còn nữa. Ngẩng đầu nhìn lên núi những bóng cây có hình thù như vật nuôi mà ngoại gọi vui là vật nuôi của thần núi cũng chẳng còn. Bác bảo cây gạo cạnh giếng nước có lẽ do quá già nên đã chết đứng và làng bản chặt xuống chia nhau làm củi rồi. Còn những cây to trên núi, dân bản càng ngày càng đông đúc nhiều nhà phải tách hộ nên đã khai thác làm nhà ở rồi đến cả gốc rễ cũng cắt làm thớt, đóng đồ để sử dụng và buôn bán ra vùng khác nên cũng cạn kiệt.
Giờ kiếm củi thanh bằng cán dao, cán thuổng còn khó chứ đâu còn củi đốt sướng như xưa nữa, nhiều nhà đun bằng bếp ga, có điện lưới không phải thắp đèn dầu. Nhiều nhà có tivi, tủ lạnh và nhập kem bán tại nhà, đã có đường bê tông đi lại nên lũ trẻ đạp xe kéo đến mua kem chia nhau ăn cười khúc khích. Đâu còn như chúng tôi ngày trước chỉ biết đến những cành ổi, những bụi nhót chẳng may trèo lên hái bị ngã sưng cả đầu rồi bị đứt tay, lại khóc lóc để bố mẹ băng bó cho.
Nhìn cảnh vật xung quanh và con người làng bản quê ngoại trong lòng tôi lâng lâng khó tả. Tôi tự thủ thỉ trong lòng, quê ngoại nay đã khác thật rồi...
Bàn Hữu Tài