"Ở ta, nhiều người vẫn xem là quấy rối chỉ hình thành khi có đụng chạm thân thể. Thật sự không nhất thiết phải có đụng chạm vật lý mới mang tính quấy rối. Hành vi quấy rối có thể được thể hiện thông qua cử chỉ tay chân hoặc hình thể, ánh mắt, trang phục, hình ảnh, và cả văn bản từ ngữ.
Nếu một cá nhân đã mang ý định quấy rối, họ sẽ làm bằng mọi cách có thể để nạn nhân nhận ra được mong muốn 'mời gọi' đó của họ".
Độc giả EMP cho rằng nhiều người cần nhìn nhận lại hành vi quấy rối tình dục, bởi không nhất thiết phải là cố ý đụng chạm thân thể, sau bài viết Quý mến hay quấy rối tình dục?.
Hành vi quấy rối tình dục tinh vi dưới nhiều hình thức, độc giả nguyenptt nhận định rằng đang tồn tại "luật ngầm" ở công sở, khi cán cân quyền lực chênh lệch, người dưới quyền có nguy cơ bị quấy rối:
"Quấy rối tình dục tinh vi không chỉ là bỡn cợt, vui đùa quá trớ. Người bị quấy rối nhiều lúc cũng ngầm chịu đựng hay thậm chí cho phép vì 'luật ngầm' trong công sở.
Kẻ quấy rối không vì tư tưởng 'biến thái' về bản năng tình dục đơn thuần mà nhiều khi đó là cách thể hiện quyền lực, áp chế người dưới quyền khác phái.
Môi trường học tập hay công sở đều có 'dòng chảy ngầm' về quyền lợi và quyền lực khiến cho mọi người mặc nhiên công nhận hay dễ dãi khi thấy ai đó đổi 'sự quấy rối' lấy 'sự ưu ái, thăng tiến, lương bổng' hơn người khác.
Ở trường đại học một số giáo sư công khai ưu ái sinh viên nữ coi như sự mặc nhận đổi sự dễ dãi lấy điểm, lấy sự hướng dẫn đảm bảo các đề tài nghiên cứu khoa học. Không dễ dàng lên tiếng 'Me too' khi bạn không chấp nhận 'luật ngầm' đó vì chính những người xung quanh bạn họ cũng xem đó là điều bình thường, hiển nhiên trong cuộc sống thực tế".
Người phát ngôn của Hiệp hội nữ quyền Osez giải thích trong một cuộc phỏng vấn rằng: "Đó không chỉ là vấn đề của nước Pháp. Khi nạn nhân khiếu nại, chúng tôi chuyển cảm giác tội lỗi sang họ. Chúng tôi đặt bóng ma tố cáo vu khống lên phụ nữ, chúng tôi xem xét kỹ lưỡng cuộc sống của họ để xem liệu họ có vì mục đích nào khác hay không. Cuối cùng, chúng tôi yêu cầu họ chứng minh những gì họ đã phải chịu đựng".
Làm thế nào để có bằng chứng tố cáo hành vi quấy rối nơi công sở? Độc giả huynhnhattan53 đặt tình huống giả định:
"Nếu một vị sếp gọi một nhân viên nữ lên phòng riêng làm việc (gọi đích danh, không cho người khác đi thế), khi vào phòng rồi thì đóng cửa lại và có hành động quấy rối tình dục, thì có cách nào lấy được bằng chứng để tố giác ông ta, vì lúc đó trong phòng chỉ có hai người?".
Độc giả Scarlett chia sẻ rằng để có bằng chứng tố cáo, thật là khó khăn:
"Cách để có bằng chứng thật khó, ghi âm cũng không ổn, vì khi nói chuyện, người ta vẫn nói rất bình thường. Nhưng hành động đụng chạm thì khác. Trước đây tôi đã không dám lên tiếng vì không thể ghi lại bằng chứng, nên hiện tại phải nhìn người đó đang giữ chức viện trưởng".
Độc giả tui chia sẻ: "Tôi có thời gian làm trợ giảng hồi tôi học chương trình hậu đại học (ở các trường đại học lớn ở Mỹ, giáo sư chỉ giảng bài trong hội trường 200-300 sinh viên, rồi 3-4 trợ giảng sẽ lo toàn bộ việc chấm bài kiểm tra, bài luận văn cuối khóa, giảng thêm mỗi tuần...).
Chúng tôi cũng được yêu cầu không có quan hệ tình cảm với sinh viên trong lớp, không hẹn hò, không tán tỉnh. Có người hỏi vậy lỡ trợ giảng và sinh viên thích nhau thiệt thì sao, và câu trả lời khá đơn giản: Chờ hết học kỳ, khi một sinh viên không còn ở trong lớp, trợ giảng không còn quyền lực nào với sinh viên, hai người bình đẳng, và muốn hẹn hò thì cứ việc hẹn hò".
Nhiều sự việc lệch chuẩn trong cuộc sống hàng ngày dung dưỡng thói quấy rối tình dục, độc giả Kiệt Nguyễn Tuấn đưa nhận định:
"Tôi thấy trong nhiều trò chơi và ngay cả trong giao tiếp thông thường cũng thường hay ám chỉ, ẩn ý về tình dục, vô cùng cợt nhả. Tất cả nó là do dân trí con người mà ra.
Tôi lên Youtube thấy có nhiều clip mà chủ kênh họ làm nội dung gặp gỡ bất kỳ một người phụ nữ nào, họ cũng luôn hỏi một câu: 'Có người yêu chưa?'. Tôi không biết các Yotuber nước ngoài có hỏi câu này thường xuyên không nhưng nếu Youtuber là người Việt thì tôi khẳng định rằng nói hươu nói vượn vài câu xong thì sẽ chắc chắn sẽ hỏi đến câu này, không bao giờ có thể khác được.
Mọi người nghĩ câu hỏi này thật sự bình thường không? Đối với tôi nó không hề bình thường, vì chỉ có người Việt Nam mới quan tâm chuyện yêu đương của người khác và chỉ quan tâm đến phụ nữ chứ không mấy ai thèm hỏi đàn ông".
Độc giả lamtan74b cho rằng cần quản lý chặt chẽ, thiết lập quy định giao tiếp trong tổ chức để ngăn chặn hành vi xâm hại và quấy rối trong môi trường làm việc:
"Những trò team building hiện tại làm sau lệch văn hóa và cần cơ quan chức năng có những quy định, quản lý chặt chẽ hoặc cấm hoạt động.
Còn tại cơ quan, doanh nghiệm cần có những quy định về giao tiếp theo hình thức như những điều thực hiện 5S, những câu slogan dán tường... để nhắc nhở mọi người.
Chúng ta dạy trẻ con chống xâm hại tình dục được nhưng chúng ta lại bỏ hẳn người trưởng thành trong môi trường giải tiếp, làm việc.
Có vậy thì những hành vi xâm hại, quấy rối mới bị tố giác".
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.