Dùng ngón tay kẻ một đường trên bản đồ, ông Nguyễn Văn Thành - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nói: "Đến cuối năm nay, khi chúng tôi hoàn tất các dự án cao tốc, từ Thủ đô đi xe đến đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn chỉ còn khoảng hai giờ đồng hồ, thay vì hơn 5 tiếng hiện nay”.
Ngoài ra, Cảng hàng không Quảng Ninh dự kiến vận hành thương mại từ tháng 4/2018 sẽ trở thành đầu mối giao thông quốc tế kết nối và tạo động lực phát triển cho đặc khu này.
Chủ đầu tư đang xây dựng tầng hai nhà ga Cảng hàng không quốc tế Quảng Ninh. Ảnh: Minh Cương |
Phó chủ tịch Quảng Ninh cho hay, trong ba năm 2015-2017, cùng với việc xây dựng Đề án thành lập đặc khu, tỉnh đã thu hút khoảng 36.000 tỷ đồng vào chuỗi dự án hạ tầng giao thông quan trọng. Cụ thể là: cầu Bạch Đằng; cao tốc Hải Phòng - Hạ Long, Hạ Long - Vân Đồn; và dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái sắp khởi công.
“Riêng Cảng hàng không Quảng Ninh là công trình giao thông cấp đặc biệt, với tổng mức đầu tư hơn 7.400 tỷ đồng, trong ba năm tới sẽ có công suất hai triệu hành khách, 10 nghìn tấn hàng hóa mỗi năm”, ông Thành nói.
Nhấn mạnh “chúng tôi rất tự tin” khi nói về tương lai của đặc khu Vân Đồn, Phó chủ tịch Thành chia sẻ câu chuyện bốn năm trước. Cuối năm 2013, sau ba lần ông Thành bay đi Singapore và Mỹ làm việc với nhà đầu tư nước ngoài, một tỷ phú là lãnh đạo của tập đoàn lớn chuyên về giải trí và casino đã đồng ý đến Quảng Ninh để tìm hiểu cơ hội. Tỷ phú được lãnh đạo Quảng Ninh tạo điều kiện tham quan vịnh Hạ Long bằng trực thăng, sau đó dự kiến trình bày hai tiếng về tiềm năng của huyện miền núi hải đảo Vân Đồn. Nhưng, cuối cùng cuộc gặp diễn ra trong năm phút.
“Ông tỷ phú đó chỉ hỏi bốn câu và nói rằng nếu chúng tôi trả lời được thì ông sẽ đầu tư vào Vân Đồn. Một, quy hoạch như thế nào? Hai, hạ tầng giao thông ra sao? Ba, đặc khu này có hành lang pháp lý bằng một đạo luật không và khi nào người Việt Nam được vào chơi casino ở đây? Bốn, ai là đầu mối làm việc, tránh tình trạng nhà đầu tư phải gặp nhiều người khác nhau”, ông Thành kể lại và bày tỏ tiếc nuối “lúc bấy giờ thì những vấn đề nhà đầu tư đặt ra đều chưa có câu trả lời cụ thể nên họ ra về”.
Đường băng Cảng hàng không quốc tế Quảng Ninh đang dần hoàn thiện. Ảnh: Minh Cương |
"Cửa lớn đã mở"
Ông Hoàng Trung Kiên - Phó trưởng Ban quản lý khu kinh tế Quảng Ninh, cho biết mục tiêu tổng quát của việc xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn là đưa nơi đây trở thành đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh; trung tâm kinh tế năng động phát triển ngành nghề mới, trình độ cao.
“Trọng tâm là dịch vụ, du lịch phức hợp cao cấp, công nghiệp giải trí hiện đại có casino, công nghiệp công nghệ cao; trung tâm khởi nghiệp, sáng tạo và giao thương quốc tế của khu vực hành lang kinh tế Trung Quốc - ASEAN”, ông Kiên nói.
Cánh cửa lớn đã mở ra với Vân Đồn hồi tháng 2, trong cuộc làm việc với Quảng Ninh, lãnh đạo Chính phủ giao các bộ ngành liên quan và tỉnh khẩn trương xây dựng dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Đồng thời, thực hiện theo kết luận của cấp có thẩm quyền, Chính phủ sẽ quy định việc thí điểm cho phép người Việt Nam vào chơi casino tại khu dịch vụ, du lịch phức hợp cao cấp Vân Đồn...
Theo ông Kiên, hiện Khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn đã được khởi động trên một khu vực rộng tới hơn 2.500 ha, nằm cạnh cung đường ôm sát bờ biển của vịnh Bái Tử Long (vườn di sản thứ 38 của ASEAN).
"Trong quy hoạch ban đầu, khu phức hợp chia làm 5 phân khu chức năng, trong đó ở trung tâm sẽ bố trí các khu dịch vụ vui chơi giải trí có thưởng, lưu trú cao cấp; khu Đông là khách sạn casino, sân golf…”, ông Kiên cho biết.
Công trường cầu Bạch Đằng nối Hạ Long và Hải Phòng. Ảnh: CTV |
"Thách thức cạnh tranh quốc tế"
Bà Đỗ Thị Lan - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh, cho hay trong thời gian qua tỉnh đã khẩn trương phối hợp với các bộ ngành liên quan xây dựng dự thảo Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt áp dụng chung cho Vân Đồn, Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).
“Theo kết luận của Bộ Chính trị, nội dung Luật phải đảm bảo tính vượt trội, đủ sức cạnh tranh với khu vực và quốc tế. Kỳ họp Quốc hội cuối năm 2017 sẽ xem xét lần đầu dự án Luật này và dự kiến thông qua ở kỳ họp tiếp theo”, bà Lan nói.
Nhận xét về đề án xây dựng đặc khu của Quảng Ninh, nhiều chuyên gia cho rằng Vân Đồn có lợi thế về địa giới hành chính, hoang sơ và dân số hiện tại còn ít, thuận lợi trong việc bố trí các dự án quy mô lớn… Tuy nhiên, thách thức lớn nhất trong xây dựng đặc khu là làm sao để cạnh tranh được với các nền kinh tế rất năng động và đã phát triển lâu năm khác.
Ông Trần Đình Thiên - Viện trưởng Kinh tế Việt Nam, cho rằng qua hơn 25 năm phát triển mô hình khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế ở Việt Nam, mặc dù đã có những đóng góp nhất định nhưng mô hình này hiện không còn mới, kém linh hoạt; cơ chế, chính sách ưu đãi chưa đủ sức cạnh tranh quốc tế.
“Nền kinh tế Việt Nam đang phát triển chậm lại, đã đến lúc cấp thiết tìm kiếm các mô hình phát triển mới mà đặc khu là một trong số đó. Vấn đề là làm sao áp dụng được các chuẩn mực quốc tế về quản trị, pháp luật, thuế, dòng vốn, giải quyết tranh chấp…, nếu không thì đường đi đến đặc khu vẫn rất xa dù chúng ta có cao tốc, có sân bay”, ông Thiên nói.
Chuỗi dự án: Cầu Bạch Đằng; cao tốc Hải Phòng - Hạ Long, Hạ Long - Vân Đồn; Cảng hàng không quốc tế Quảng Ninh... đều được xây dựng theo hình thức BOT. Cảng hàng không được xem là động lực phát triển cho Vân Đồn không phải sân bay đầu tiên xã hội hoá. Trước đó nhà đầu tư tư nhân đã tham gia dự án Nhà ga quốc tế Đà Nẵng, rồi Nhà ga quốc tế Cam Ranh. Tuy nhiên, sân bay Quảng Ninh là công trình đầu tiên mà doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư cả nhà ga lẫn hạ tầng khu bay (bao gồm: Đường băng, đường lăn, sân đỗ). |
Minh Cương - Xuân Hoa