Ngày 31/8, Chính phủ ban hành nghị quyết phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật. Chính phủ xác định, dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là dự luật quan trọng, thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng một số đặc khu hành chính, kinh tế. Việc này tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm thể chế phát triển vùng có tính đột phá.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: VGP |
Vì vậy, Chính phủ thống nhất thông qua dự án luật. Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ tại phiên họp, từ đó chỉnh lý một số nội dung.
Về nguyên tắc áp dụng pháp luật, Chính phủ yêu cầu phải bảo đảm tuân thủ Hiến pháp năm 2013, có thể chế, chính sách ưu đãi vượt trên luật hiện hành, có khả năng cạnh tranh, thích ứng cao với yêu cầu hội nhập quốc tế. Dự luật cũng cần có quy định cho phép áp dụng đối với các đơn vị được Quốc hội thành lập sau khi luật có hiệu lực để bảo đảm tính ổn định.
Do đặc khu hành chính, kinh tế là vấn đề liên quan đến chủ quyền pháp lý và quyền tài phán quốc gia nên việc áp dụng pháp luật nước ngoài và giải quyết tranh chấp tại tòa án nước ngoài được Chính phủ thống nhất báo cáo để Quốc hội xem xét, quyết định.
Các thành viên Chính phủ thống nhất phương án tổ chức chính quyền theo mô hình trưởng đơn vị do Thủ tướng bổ nhiệm, không tổ chức HĐND. Trưởng đơn vị được phân cấp một số thẩm quyền của Thủ tướng, các bộ, UBND cấp tỉnh. Quy định về cơ chế giám sát của HĐND cấp tỉnh đối với trưởng đơn vị sẽ được bổ sung. Còn các cơ quan như Tòa án, Kiểm sát, Thi hành án ở đây là cấp đặc biệt, có đủ thẩm quyền trong hoạt động tư pháp, tố tụng.
Chính phủ thống nhất quy định kết hợp các nguồn hỗ trợ có mục tiêu của ngân sách trung ương và để lại hợp lý nguồn tăng thu của đơn vị để đầu tư hạ tầng thiết yếu ban đầu.