Nổi bật trong danh sách các địa phương có môi trường đầu tư thuận lợi hầu hết là các tỉnh phía Nam, trong đó có Bạc Liêu, Sóc Trăng, Tây Ninh, Bình Phước. Phía Bắc chỉ một mình Vĩnh Phúc lọt vào "top" 5 môi trường đầu tư thuận lợi nhất.
Khảo sát về môi trường đầu tư của các địa phương do Tổng cục Thống kê phối hợp với Ngân hàng Thế giới thực hiện năm 2006 trên gần 9.500 doanh nghiệp, tương đương 8,3% tổng số doanh nghiệp tại 63 tỉnh thành. Các doanh nghiệp trả lời theo bảng câu hỏi điều tra của Tổng cục Thống kê về những cản trở đối với kinh doanh tại địa phương, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ trong năm 2005-2006 do địa phương cung cấp, môi trường pháp lý, thời gian chờ đợi giấy phép kinh doanh... |
Vĩnh Phúc được các doanh nghiệp đánh giá là có cơ sở hạ tầng và dịch vụ tốt thứ hai trong cả nước, chỉ sau Tây Ninh, và cũng là một trong những tỉnh có ít trở ngại pháp lý với doanh nghiệp nhất.
Một địa phương phía Bắc khác giành được chỉ số hài lòng cao từ các doanh nghiệp là Lào Cai khi đứng thứ bảy về môi trường đầu tư thuận lợi và nằm trong top 10 của hầu hết các tiêu chí đánh giá.
Nổi lên trong các địa phương có môi trường đầu tư không thuận lợi là Quảng Ninh. Tỉnh này được các doanh nghiệp "bình chọn" là tỉnh có nhiều trở ngại nhất trong hoạt động kinh doanh. Địa phương giáp biên giới này đứng đầu cả nước hệ thống pháp lý phức tạp và đứng thứ hai về hạ tầng yếu kém, chỉ sau Phú Thọ. Hơn 40% doanh nghiệp được hỏi tại Quảng Ninh cho biết, họ phải nhờ đến các khoản chi không chính thức để được cấp phép kinh doanh.
Đáng chú ý là các thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội, Hải Phòng đều bị các doanh nghiệp than phiền về trở ngại kinh doanh. TP HCM gần như "đội sổ" khi nhường vị trí số một về môi trường đầu tư kém thân thiện cho Quảng Ninh. Trong khi đó, Hà Nội và Hải Phòng lần lượt đứng thứ 50 và 53 về môi trường đầu tư trong tổng số 63 địa phương được khảo sát.
Các doanh nghiệp cũng tỏ ra không mấy lạc quan về môi trường pháp lý tại các địa phương. Chỉ 18% doanh nghiệp tin rằng họ sẽ được pháp luật bảo vệ khi có tranh chấp thương mại, gần một nửa doanh nghiệp được hỏi khẳng định họ rất khó tiếp cận thông tin và các văn bản pháp luật của địa phương. Hà Nội cũng đứng vị trí thứ tư trong danh sách các địa phương có hệ thống pháp lý kém thuận lợi.
Tình trạng tham nhũng vẫn khá phổ biến khi 38% doanh nghiệp khẳng định, các khoản chi không chính thức là phổ biến và hơn 10% doanh nghiệp tiết lộ sử dụng các khoản chi này khi có đoàn thanh tra. Đồng thời, để có được hợp đồng kinh doanh, 15% doanh nghiệp phải dùng đến các khoản chi không chính thức này.
Ngọc Châu