Sáng 29/6, Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh nhộn nhịp người đến làm thủ tục hành chính, tiếng loa thông báo hướng dẫn vang lên từ cổng vào. Người dân xếp hàng từ cửa để khai báo y tế điện tử trước khi vào bên trong.
Lúc 8h30, anh Nguyễn Hồng Hải (37 tuổi, trú TP Hạ Long) đến nộp hồ sơ chuyển nhượng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Anh lấy số thứ tự, rồi được hướng dẫn vào khu vực của Sở Tài nguyên & Môi trường và được tiếp nhận hồ sơ. Từ khi anh Hải lấy số thứ tự, nộp tiền lệ phí và nộp hồ sơ chỉ mất khoảng 10 phút.
"Do đặc thù công việc nên tôi thường xuyên đi nộp hồ sơ tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh và TP Hạ Long. Thủ tục ở những cơ sở này rất thuận lợi, cán bộ thân thiện, hướng dẫn kỹ lưỡng. Hồ sơ được chuẩn bị đầy đủ nên các anh ấy kiểm tra chỉ mất vài phút là xong, sau đó gửi giấy hẹn, khi nào đến ngày thì lên lấy kết quả", anh Hải cho hay.
Theo anh Hải, sau khi nộp hồ sơ, hệ thống sẽ gửi tin nhắn về điện thoại thông báo đã tiếp nhận; khi có kết quả, hệ thống gửi tin nhắn mời đến Trung tâm hành chính công để nhận lại hồ sơ.
Chị Nguyễn Thu Mai, TP Hạ Long, chủ cửa hàng xe đạp, đến nộp hồ sơ tại bộ phận của Sở Kế hoạch và Đầu tư để tạm ngừng kinh doanh do ảnh hưởng của Covid-19. Như nhiều người khác, chị được cán bộ ở đây hướng dẫn nhiệt tình, các thủ tục giải quyết nhanh chóng.
"Hôm nay tôi làm thủ tục ngừng kinh doanh nên không mất phí, chỉ 3 đến 4 ngày là nhận được kết quả. Cũng như mọi lần, thủ tục được giải quyết thuận tiện và không mất nhiều thời gian", chị Mai nói.
Hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh là một trong những thành tố quan trọng, giúp địa phương này bốn năm liền dẫn đầu bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính cả nước - PAR INDEX (2017-2020); hai năm liền đứng đầu bảng chỉ số hài lòng của người dân với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước - SIPAS (2019-2020).
Theo bảng xếp hạng PAR INDEX 2020 được Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ công bố chiều 24/6, Quảng Ninh đạt 91,04 điểm (thang điểm 100). Điểm số này cao hơn 0,53 điểm so với Hải Phòng xếp thứ hai (90,51); cao hơn 7,32 điểm so với trung bình cả nước (83,72 điểm).
Quảng Ninh dẫn đầu cả nước về nhiều chỉ số thành phần, nhưư: Công tác chỉ đạo điều hành, cải cách hành chính đạt điểm tuyệt đối 100 (đứng đầu cùng với Đồng Tháp, Hải Phòng, Khánh Hòa, Yên Bái); cải cách thủ tục hành chính đạt 99,98 điểm.
Quảng Ninh cũng đứng đầu về chỉ số tác động của cải cách hành chính đến người dân, doanh nghiệp và phát triển kinh tế xã hội, bao gồm thu hút đầu tư; phát triển doanh nghiệp; thu ngân sách theo kế hoạch; tỷ lệ tăng GRDP; thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, một số lĩnh vực Quảng Ninh chỉ xếp ở nhóm giữa so với các địa phương khác, đơn cử là: xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; cải cách tổ chức bộ máy; cải cách tài chính công; hiện đại hóa hành chính.
Năm 2020, Quảng Ninh đứng đầu bảng xếp hạng SIPAS, với 95,76 điểm. Các chỉ số thành phần như khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân; thủ tục hành chính; thái độ của công chức; tiếp nhận xử lý ý kiến góp ý... đều đạt trên 90%.
Khảo sát của Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ cho thấy chỉ 7,2% người dân được hỏi cho biết phải đi lại 3 lần để giải quyết thủ tục hành chính; không ai bị công chức gây phiền hà, sách nhiễu; không ai phải nộp tiền ngoài các khoản phí theo quy định.
Một trong những kết quả cải cách hành chính nổi bật ở Quảng Ninh là mô hình thí điểm thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp sở, ngành, huyện có hiệu quả và được nhân rộng. Năm 2020, qua thi tuyển, tỉnh đã chọn và bổ nhiệm được 203 vị trí lãnh đạo từ cấp phòng trở lên.
Đây cũng là một trong những địa phương sớm thí điểm Trung tâm điều hành thành phố thông minh, ứng dụng khoa học kỹ thuật để phân tích, xử lý các dữ liệu về kinh tế, xã hội. Thông qua Trung tâm, lãnh đạo tỉnh nhanh chóng tiếp nhận, xử lý kiến nghị, bức xúc của người dân, doanh nghiệp.
Quảng Ninh còn là địa phương đầu tiên kết nối vào nền tảng thanh toán quốc gia PayGov của Bộ Thông tin Truyền thông, với trên 40% giao dịch thủ tục hành chính được thực hiện qua Cổng dịch vụ công của tỉnh.
Lý giải "bí quyết" thành công trong cải cách hành chính của Quảng Ninh, ông Bùi Tuấn Anh, Phó giám đốc Sở Nội vụ, nói đây là kết quả của nhiều chính sách được triển khai đồng bộ và việc "lấy tinh thần phục vụ đặt lên hàng đầu". Trong đó, thông qua mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công, những giấy tờ nào đã có trong dữ liệu của địa phương, dù người dân không mang theo bản giấy, vẫn được giải quyết.
"Theo quy định phải đầy đủ giấy tờ mới giải quyết công việc cho người dân. Nhưng chúng tôi sẽ tra cứu vào dữ liệu quốc gia, dữ liệu của tỉnh có thông tin đấy rồi thì giải quyết luôn", ông Tuấn Anh nói.
Về thời gian, ông Tuấn Anh dẫn chứng, nhiều trường hợp thủ tục quy định 10 ngày, nhưng tỉnh rút ngắn còn 5 ngày. Tỉnh xây dựng quy trình ISO, phân nhỏ từng khâu, như người tiếp nhận, thẩm định, chuyển lãnh đạo ký trong bao lâu; nếu ai chậm sẽ bị báo động đỏ trên hệ thống trực tuyến. Qua đó để người dân biết được quá trình giải quyết hồ sơ còn vướng mắc tại bộ phận nào, ai chịu trách nhiệm.
Tỉnh cũng tăng cường phân cấp cho cơ sở để tránh phải xin ý kiến cấp trên. Đơn cử, cấp sở ngành có thể ủy quyền cho phó phòng trực tiếp ký giấy thay mặt giám đốc sở.
"Các Trung tâm hành chính công của tỉnh đều có camera giám sát. Chúng tôi còn giám sát cả cuộc trao đổi bằng hệ thống micro ghi lại toàn bộ quá trình giao dịch. Nếu công dân có phản ánh, kiến nghị thì sẽ trích xuất hình ảnh và âm thanh để phân tích xem ứng xử của cán bộ, công chức có phù hợp không", ông Tuấn Anh cho biết.
Nhờ đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, hiện nay có tới 45% người dân tại Quảng Ninh đã tham gia làm thủ tục qua mạng ở cấp độ 4 (nộp hồ sơ và thanh toán trên mạng). "Việc người dân, doanh nghiệp không phải trực tiếp đến trụ sở cơ quan hành chính giúp giảm bớt thời gian, kinh phí và tiêu cực", ông Tuấn Anh nói.