Sáng 2/5, chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) và chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2017 đã được công bố tại Bộ Nội vụ.
PAR INDEX 2017 thực hiện điều tra hơn 18.300 cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý và gần 34.000 người dân, về các lĩnh vực cải cách hành chính của bộ, ngành, địa phương, như: Công tác điều hành, thực hiện cơ chế một cửa, cải cách tổ chức bộ máy...
Mục tiêu của hoạt động này là đánh giá toàn diện, công bằng kết quả việc triển khai cải cách hành chính hằng năm của các bộ, ngành, địa phương.
Theo đó, trong nhóm các bộ ngành, ngân hàng Nhà nước đạt chỉ số cao nhất với 92,36% (thang điểm từ 0% đến 100%). Tiếp đến lần lượt là các bộ: Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Tư pháp, Công Thương, Ngoại giao... Đứng cuối bảng xếp hạng ở nhóm này là Uỷ ban Dân tộc (72,1%).
Trong nhóm địa phương, Quảng Ninh vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng với kết quả 89,45 (thang điểm đánh giá là 100) và được đánh giá là tỉnh đi tiên phong trong thí điểm các mô hình cải cách.
Đứng sau Quảng Ninh là Hà Nội, Đồng Nai xếp thứ 3, Đà Nẵng xếp thứ 4 và Hải Phòng xếp thứ 5. Tỉnh Quảng Ngãi là địa phương có chỉ số thấp nhất với 59,69 điểm.
Theo chỉ số SIPAS 2017, người dân vẫn còn gặp nhiều phiền hà khi đi làm thủ tục hành chính. Ảnh: PV |
Năm nay, lần đầu tiên Bộ Nội vụ đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính tại 63 tỉnh, thành (chỉ số SIPAS 2017).
Số phiếu điều tra được thực hiện trên 31.000 người với các yếu tố như: chỉ số hài lòng về tiếp cận dịch vụ, thủ tục hành chính, công chức, cung ứng dịch vụ công, tiếp nhận ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị... Kết quả cho thấy gần 81% người được hỏi hài lòng với sự phục vụ hành chính nói chung.
Cũng theo kết quả điều tra, gần 3,4% số người được hỏi khẳng định công chức gây phiền hà, sách nhiễu trong quá trình giải quyết công việc; gần 2% số người được hỏi cho hay công chức gợi ý người dân, tổ chức nộp thêm tiền ngoài phí, lệ phí theo quy định.
Ngoài ra, SIPAS 2017 phản ánh tình trạng người dân phải đi lại rất nhiều lần mới giải quyết xong thủ tục hành chính; khoảng 2,5% người được hỏi phải đi lại 5-6 lần; 2,5% đi lại 7 lần để giải quyết xong công việc.