Ngày 28/2, ông Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Quảng Ngãi cho biết Sở sẽ có ý kiến về đề xuất đổi tên cầu Cửa Đại - công trình 2.250 tỷ đồng, vừa hợp long hồi tháng 1 - sau khi có văn bản từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh (Ban Quản lý).
Trước đó, UBND tỉnh đã giao Ban Quản lý (Chủ đầu tư Dự án cầu Cửa Đại) đề xuất tên gọi, gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các sở, ngành, địa phương và cơ quan liên quan. Sau đó, Sở tổng hợp, trình UBND tỉnh báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy để thống nhất tên gọi khi đưa vào khai thác, vận hành.
Có hai tên được đưa ra để thay thế tên cầu Cửa Đại là cầu Cổ Lũy và cầu Thiên Mã. "Đây là công trình lớn của tỉnh, cần đổi tên để tránh với cầu Cửa Đại ở tỉnh Quảng Nam lân cận", ông Hà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ngãi, kiêm Giám đốc Ban Quản lý nói.
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, Hiệu trưởng Đại học Phạm Văn Đồng, một nhà nghiên cứu văn hóa ở Quảng Ngãi lý giải: Cổ Lũy là tên gọi có từ xa xưa. Vùng đất Quảng Ngãi trước đây (thế kỷ 15) gọi là vùng Cổ Lũy Động. Bây giờ tên gọi Cổ Lũy chỉ còn là tên gọi cho một cửa biển: cửa Cổ Lũy, hay cửa Đại Cổ Lũy, nơi nước sông Trà và một nhánh sông Vệ đổ về.
Hai bên cửa sông có hai làng Cổ Lũy: Cổ Lũy Bắc và Cổ Lũy Nam. Làng Cổ Lũy Bắc ở xã Tịnh Khê, từ 2013 thuộc TP Quảng Ngãi. Người dân Quảng Ngãi còn lưu truyền câu ca: "Ai về Cổ Luỹ xóm Câu/ Nhớ mua đôi chiếu đón dâu về làng", chính là nói về làng Cổ Lũy này.
Còn Cổ Lũy Nam là hình bóng của một làng chài cô quạnh, mà Nguyễn Cư Trinh - Tuần vũ Quảng Ngãi vào năm 1750, làm một bài vịnh: Cổ Luỹ cô thôn. Đây là một trong 10 thắng cảnh mà Nguyễn Cư Trinh đã ca ngợi (Cẩm thành thập cảnh); người đời sau thêm vào hai cảnh nữa, thành Cẩm thành thập nhị.
Còn Thiên Mã là dãy núi ở bờ Bắc sông Trà Khúc, tục gọi là núi Ngang. Có một câu ca dân gian nói về núi này: "Bao giờ Thiên Mã sang sông/ Thì làng Mỹ Lại mới không công hầu". Câu này ý nói về dòng họ Trương nói riêng, và các dòng họ ở vùng đất này nói chung, nức tiếng có nhiều người đỗ đạt, làm nhiều quan to chức trọng (nay là thôn Mỹ Lại, xã Tịnh Khê, nơi xảy ra vụ thảm sát Mỹ Lai - Sơn Mỹ).
Cầu Cửa Đại khởi công năm 2017, từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ngân sách tỉnh và khai thác quỹ đất. Cầu dài 1.877 m, gồm 37 nhịp, mặt cầu rộng 20 m; được thiết kế bằng bêtông cốt thép và bêtông cốt thép dự lực.
Cầu nằm trong quy hoạch của tuyến đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010; là dự án giao thông trọng điểm của tỉnh Quảng Ngãi để phát triển đô thị về phía biển.
Khi hoàn thành, cầu giúp rút ngắn khoảng cách đi lại giữa xã Tịnh Khê ở phía Bắc và xã Nghĩa Phú ở phía Nam TP Quảng Ngãi từ hơn 20 km xuống còn 2,5 km.
Đây là cầu đường bộ thứ 5 qua sông Trà Khúc. Hiện có 4 cầu đường bộ qua sông Trà Khúc là Trà Khúc 1, Trà Khúc 2, cầu cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cầu Thạch Bích.