Ngày 18/7, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam, đã ban hành phương án đón người dân Quảng Nam từ TP HCM và một số tỉnh, thành phía Nam có hoàn cảnh khó khăn về quê. Bước đầu, tỉnh đón người từ TP HCM, sau đó rút kinh nghiệm sẽ đón bà con ở các tỉnh, thành phố ở phía Nam.
Theo kế hoạch, ngày 21/7 ôtô xuất phát từ TP Tam Kỳ đến TP HCM đón người. Trước khi lên xe về quê, người dân phải có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp test nhanh hoặc PCR âm tính trong 48 giờ. Bà con chuẩn bị sẵn đồ ăn, nước uống, tư trang... cho cá nhân trong suốt quá trình di chuyển.
Mỗi chuyến xe xuất phát từ TP HCM vào buổi chiều và đi suốt đêm đến Quảng Nam vào sáng hôm sau. Xe đi thẳng đến khu cách ly tập trung, người dân phải cách ly ít nhất 14 ngày; người có bệnh lý nền thì đưa về cách ly tại trung tâm y tế huyện.
Quảng Nam dùng ngân sách và nguồn vận động xã hội hóa để hỗ trợ tiền đưa đón, ăn ở miễn phí cho toàn bộ người dân trong những ngày cách ly.
Để việc đưa người dân về nhanh gọn, Quảng Nam đề nghị các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi tạo điều kiện cho xe qua các chốt phòng, chống dịch và đảm bảo an toàn.
Ngoài đón bằng ôtô, Quảng Nam đón những người phụ nữ có thai, người già yếu, khuyết tật, ốm đau, trẻ em dưới 12 tuổi bằng máy bay. Sau khi người dân đăng ký qua Hội đồng hương tỉnh Quảng Nam tại TP HCM thì được thông báo thời gian chuyến bay, tự mua vé.
Đến ngày bay, người dân sắp xếp thời gian tự di chuyển đến sân bay và sẽ test nhanh Covid-19. Máy máy hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng, người dân được đưa về Quảng Nam cách ly tập trung, xét nghiệm.
TP HCM có khoảng 32.000 người Quảng Nam, là lao động tự do. Để hỗ trợ người dân gặp khó khăn đang lưu trú tại đây, chính quyền đã chi 2 tỷ đồng. Trong đợt dịch lần này, Quảng Nam ghi nhận 5 ca, 7 ngày qua không phát hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Tại Hà Tĩnh, tối 18/7, ông Võ Trọng Hải, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, chính quyền lên phương án thuê tàu hỏa đón công dân tại TP HCM và các tỉnh vùng dịch về quê, trước mắt sẽ ưu tiên những trường hợp gia đình có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn không nghề nghiệp. Động thái trên nhằm giảm tải áp lực cách ly cho các địa phương này trước tình hình Covid-19 bùng phát nghiêm trọng.
"Người dân muốn về quê sẽ đăng ký với Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh hoặc qua các hội đồng hương. Tỉnh sẽ tập hợp danh sách, báo cáo Bộ Giao thông Vận tải xin phương án đưa tàu hỏa đón về", ông Hải nói và cho hay kinh phí thuê tàu do UBND tỉnh hỗ trợ.
Ngoài thuê tàu hỏa, tỉnh Hà Tĩnh sẽ cử bác sĩ phối hợp cán bộ liên ngành trực tiếp vào TP HCM và các tỉnh bùng phát dịch ở miền Nam để đón người dân. Dự kiến điểm trung chuyển được đặt tại ga Yên Trung, huyện Đức Thọ. Khi trở về, người ở huyện nào sẽ chuyển về cách ly tại huyện đó.
Trước đó hôm 15/7, Chủ tịch Võ Trọng Hải đã gửi thư đến Hội đồng hương Hà Tĩnh tại TP HCM và các tỉnh phía Nam bày tỏ sự động viên, chia sẻ. Trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh giãn cách xã hội khiến đời sống nhiều người gặp khó khăn, ông Hải nói sẽ chuẩn bị các điều kiện, cùng Hội đồng hương cấp huyện, thành phố, thị xã của Hà Tĩnh tại TP HCM và các tỉnh phía Nam phối hợp với chính quyền sở tại đưa đón công dân có nhu cầu về quê.
Từ ngày 5/6, Hà Tĩnh ghi nhận 128 người dương tính nCoV, trong đó có 3 ca nhập cảnh cách ly ngay. Hiện, 51 người đã khỏi bệnh và xuất viện, 46 trường hợp nặng được chuyển ra Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội).