Tối 16/7, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế xác nhận thông tin trên. Theo ông Bình, tỉnh đã xây dựng kế hoạch cụ thể, chuẩn bị phương án, cơ sở vật chất sẵn sàng đón công dân từ TP HCM trở về quê, nhằm giảm áp lực trong công tác chống dịch.
"Việc đón công dân về quê sẽ chia ra nhiều đợt. Trước mắt, ngày 20/7-25/7, tỉnh sẽ đón khoảng 300 người từ TP HCM trở về bằng tàu hỏa, hỗ trợ toàn bộ kinh phí vận chuyển, xét nghiệm và cách ly tập trung", ông Bình nói.
Người Thừa Thiên Huế ở TP HCM có nhu cầu về quê sẽ đăng ký trực tuyến hoặc có thể liên hệ đầu mối phối hợp hỗ trợ thông qua Hội đồng hương Thừa Thiên Huế tại TP HCM. Địa phương sẽ xét duyệt danh sách đăng ký theo hướng ưu tiên người yếu thế, người gặp khó khăn, bị ảnh hưởng lớn hơn như người già, trẻ em; phụ nữ mang thai; lao động tự do; người mất việc làm; người bị mắc kẹt do thăm người thân, đi công tác; học sinh, sinh viên.
Thượng tá Ngô Nam Cường, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế nói, đơn vị đã chuẩn bị 160 phòng tại khu cách ly T5 ở trung tâm Giáo dục quốc phòng ở Thị xã Hương Thủy để đón người về từ TP HCM; bố trí 15 đến 20 chiến sĩ phối hợp với hội phụ nữ, đoàn thanh niên làm nhiệm vụ.
Trước đó, ngày 9/7 hơn 20 công dân Huế đi tàu từ TP HCM ra ga Đông Hà, Quảng Trị đã được Thừa Thiên Huế đưa xe ra đón về cách ly tại xã Điền Hải, huyện Phong Điền.
Tại Hà Tĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải hôm 15/7 đã gửi thư đến Hội đồng hương Hà Tĩnh tại TP HCM và các tỉnh phía Nam bày tỏ sự động viên, chia sẻ, đặc biệt là những công dân của tỉnh đang làm ăn, sinh sống, học tập tại TP HCM và các vùng phụ cận.
Trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh giãn cách xã hội khiến đời sống nhiều người gặp rất nhiều khó khăn, Chủ tịch Võ Trọng Hải nói sẽ chuẩn bị các điều kiện, cùng Hội đồng hương cấp huyện, thành phố, thị xã của Hà Tĩnh tại TP HCM và các tỉnh phía Nam phối hợp với chính quyền sở tại đưa đón công dân có nhu cầu về quê.
Từ ngày 5/6, Hà Tĩnh ghi nhận 128 người dương tính với nCoV, trong đó có 3 ca nhập cảnh cách ly ngay.
12h ngày 16/7, tỉnh cho mở lại một số hoạt động dịch vụ như cơ sở thẩm mỹ, phòng tập gym, yoga, đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục, sau khi tình hình dịch bệnh tại địa bàn giảm, 10 ngày qua không có ca nhiễm cộng đồng.
Đà Nẵng thống nhất chủ trương "giải cứu" người dân đang mắc kẹt lại TP HCM từ ngày 14/7. Ông Lê Quang Nam, Phó chủ tịch UBND thành phố ngày 16/7 đã gửi công văn đề nghị UBND TP HCM cho phép Hội đồng hương Đà Nẵng tại TP HCM được đón công dân trở về quê chống dịch; hỗ trợ xét nghiệm Covid-19 cho những người đăng ký về Đà Nẵng theo danh sách đăng ký.
Lãnh đạo Đà Nẵng cũng đề nghị các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hoà, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi và Quảng Nam tạo điều kiện cho các xe do thành phố Đà Nẵng tổ chức đưa người dân về được đi qua địa phận.
Hội đồng hương Đà Nẵng đã khảo sát và ghi nhận hiện nay người dân có hai nhu cầu: được giúp đỡ tài chính, lương thực thực phẩm; hỗ trợ để trở về quê với những người vào TP HCM học tập, chữa bệnh, làm ăn,... Lãnh đạo Đà Nẵng và Hội đồng hương đã thống nhất hỗ trợ cho 1.000 người, mỗi người 500.000 đồng, trích từ số tiền Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng gửi cho hội đồng hương. Người dân có thể cung cấp số tài khoản để hội chuyển thẳng tiền, hạn chế đi lại.
Hội đồng hương cũng lập danh sách 300 người, trong đó ưu tiên người già, bệnh tật, neo đơn, trẻ nhỏ và người đăng ký trước để vận chuyển bằng ôtô về Đà Nẵng. Người dân được miễn tiền xe và được tặng 500.000 đồng tiền đi đường. Tuy nhiên, người có xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ mới được lên xe. Khi về Đà Nẵng, họ phải chấp hành việc cách ly tập trung theo quy định của thành phố. Hiện, địa phương đã chuẩn bị hàng nghìn chỗ trong các khu cách ly.