Sáng 6/11, bão Goni suy yếu thành áp thấp nhiệt đới đi vào sát bờ biển từ Quảng Ngãi đến Phú Yên. Quảng Nam nằm trong vùng ảnh hưởng ghi nhận lượng mưa từ 80 đến 150 mm.
Huyện Nam Trà My nằm trong vùng nguy cơ sạt lở cao, nên chính quyền các xã trên địa bàn đã sơ tán hơn 1.000 người dân đến các công sở, trường học...
"Mưa kéo dài một tháng qua khiến đất nhũn, nhão, giờ chỉ mưa thêm một trận là nguy cơ sạt lở rất cao", ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch huyện Nam Trà My, cho biết.
Chính quyền địa phương sử dụng còi quân đội công suất lớn để báo động. Cùng với đó, khi trời mưa lớn thì xe lưu động của trung tâm văn hóa, xe cảnh sát giao thông gắn loa, bật còi hú, cán bộ xã sử dụng loa phóng thanh cầm tay thông báo người dân nhanh chóng ra khỏi khu vực nguy cơ sạt lở.
"Huyện đảm bảo lương thực cho người dân trong thời gian sơ tán", ông Dũng thông tin thêm.
Do thời tiết diễn biến xấu, lực lượng tìm kiếm 13 người còn mất tích ở thôn 1, xã Trà Leng tạm nghỉ, rời hiện trường trong sáng nay 6/11. "Công việc tìm kiếm sẽ tiếp tục khi trời ngớt mưa", ông Dũng nói.
Tại huyện Phước Sơn, đêm qua (6/11) và sáng nay mưa lớn; hơn 1.900 người dân xã Phước Thành tiếp tục bị cô lập.
Theo ông Hồ Văn Phức, Chủ tịch xã Phước Thành, nước trên núi chảy về khiến mực nước sông suối dâng cao; xã đã di dời khoảng 80% hộ dân đến nơi an toàn và trong chiều nay sẽ di dời hết số hộ dân còn lại để phòng tránh sạt lở đất trong đêm.
"Con đường 15 km băng rừng để ra xã Phước Kim 15 km cõng lương thực, nhu yếu phẩm đã bị sạt lở, đứt đoạn", ông Phức nói.
Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Nam cảnh báo từ ngày 6 đến ngày 7/11 các huyện miền núi có nguy cơ cao xảy ra lũ quét; lượng mưa phổ biến 50 - 100 mm, có nơi trên 150 mm.
Trước đó chiều 28/10, tại xã Phước Lộc (huyện Phước Sơn), núi lở vùi lấp 11 người, đến nay tìm thấy 8 thi thể, 3 người còn mất tích.
Tại xã Trà Leng (huyện Nam Trà My), một vạt núi lở xuống vùi lấp 55 người, khiến 9 người chết, 13 người mất tích, 33 người bị thương.