Đó là ngày bức tượng Nữ thần Tự do chính thức ra mắt công chúng thật hoành tráng với đủ nghi lễ. Giữa những lời phát biểu, nhà điêu khắc người Pháp Frédéric-Auguste Bartholdi nôn nóng kéo sợi dây thừng để hạ quốc kỳ Pháp đang che trước mặt Nữ thần Tự do - bức tượng cao nhất thành phố thời ấy - 93,1 m từ bệ đỡ đến đỉnh ngọn đuốc. Nhưng đấy không phải lần đầu tiên kiệt tác này xuất hiện trước công chúng. Trước đó nhiều năm, từng phần của bức tượng này đã được trưng bày khắp thế giới.
Nhà điêu khắc Bartholdi phác họa tượng Nữ thần Tự do từ lâu, tác phẩm điêu khắc tân cổ điển về một vị thần La Mã. Song, do tình hình chính trị ở Pháp, tâm nguyện của ông chưa thể thực hiện cho đến những năm 1870 - khi chính phủ Pháp đồng ý với thỏa thuận chi tiền cho phần tượng, còn phía Mỹ sẽ cung cấp địa điểm đặt và xây bệ đỡ.
Bartholdi cho các thợ thủ công tạo tác bức tượng này tại Pháp vào năm 1876. Họ bắt đầu với cánh tay phải vươn dài lên trời cùng ngọn đuốc giương cao, ngay cả khi chưa hoàn thiện thiết kế tổng thể. Nhà điêu khắc đã cẩn trọng tính toán kế hoạch cho phần này trước, để thu hút sự chú ý của công chúng quốc tế và đặc biệt là tìm kiếm nguồn tài trợ khẩn cấp, do thời gian gây quỹ cả tại Pháp (cho phần tượng) và tại Mỹ (phần bệ đỡ) đều cực kỳ chậm.
Năm 1876, cánh tay phải của Nữ thần Tự do được trưng bày trong triển lãm thế kỷ Centennial Exposition tại Philadelphia, và những vị khách ưa mạo hiểm giúp gây quỹ bằng cách trả tiền để trèo lên một chiếc thang bên trong cánh tay dẫn ra ban công của ngọn đuốc.
"Thật tuyệt vời, dù có chút chông chênh, khi nhìn thấy phần đầu hay cánh tay của bức tượng ngày nay. Chắc chắn không ai cùng thời Bartholdi từng nhìn thấy một tác phẩm nghệ thuật lớn đến mức này", Carly Swaim, Phó chủ tịch của History Associates Inc., từng tham gia khai trương Bảo tàng Tượng Nữ thần Tự do, cho biết.
Xem thêm: Tượng Nữ thần Tự do bị nghi ngờ là đàn ông
Bàn tay cầm ngọn đuốc sau đó được chuyển đến công viên quảng trường Madison tại Manhattan, và trở thành một trong những điểm đến thời thượng nhất thành phố. Bàn tay của nữ thần tọa tại đây trong 6 năm.
Phần đầu và vai của bức tượng được hoàn thành sau đó cũng trải qua một cuộc đời độc lập với những chuyến quảng bá khắp nơi để gây quỹ. Trong khi cánh tay phải được đặt giữa khu dân cư của Midtown Manhattan, trái tim của New York, thì phần đầu của nữ thần được trưng bày trong triển lãm Paris International Exposition năm 1878. Một lần nữa, vô số khách mua vé để khám phá không gian bên trong bức tượng. Họ còn có thể mua vé vào xưởng thi công nhộn nhịp.
"Bartholdi vô cùng tự hào với tác phẩm của mình. Ông ấy thuê những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp để ghi lại hình ảnh thể hiện năng lực và gu thẩm mỹ của đội thi công, để công chúng biết đến pho tượng cũng như hút nguồn tiền đầu tư cho quá trình xây dựng...", Carly Swaim nói.
Từ năm 1881 đến 1884, đội thi công lắp ráp bức tượng trong một công viên công cộng ở Paris để kiểm tra kết cấu tổng thể, trước đó cánh tay phải được gửi xuyên Đại Tây Dương sang. Người chỉ đạo quy trình này, không ai khác, chính là kỹ sư Gustav Eiffel. Do đó, người Paris thích cái tên dân dã của bức tượng là "Quý bà trong công viên", nhưng cũng sớm phải nói lời tạm biệt với nó.
Một khi kết cấu toàn vẹn, tượng nữ thần lại được chia thành khoảng 350 miếng đồng và sắt - mỗi phần nặng từ 68 kg đến 4 tấn, chứa trong 214 thùng gỗ và chất lên con tàu chiến Pháp Isère. Nó vượt qua hải trình xuyên Đại Tây Dương vào năm 1885, và phải đợi đến khi ngôi nhà mới hoàn thành để đặt bệ đỡ lên đảo Bedloe's bên cảng New York (ngày nay nó được đổi tên thành Liberty).
Dù Bartholdi tích cực quảng bá cho đứa con tinh thần của mình, việc xây dựng bệ tượng Nữ thần Tự do ở Mỹ vẫn có nguy cơ thất bại vì thiếu vốn trầm trọng vào cuối năm 1885.
Joseph Pulitzer, nhà xuất bản tờ New York World, đã công bố nỗ lực quyên góp 100.000 USD - tương đương 2,3 triệu USD ngày nay và cam kết in tên của mọi người nhà hảo tâm, bất kể số tiền được đóng góp nhỏ như thế nào. Phần thưởng này đã hấp dẫn người dân New York và thu hút hơn 120.000 người đóng góp, hầu hết quyên tặng chưa đến 1 USD.
Khi tiền đổ về, công cuộc thi công bệ đỡ hoạt động trở lại và vào 17/6/1885, một tàu hơi nước của Pháp đã đến New York với những chiếc thùng giữ tượng Nữ thần Tự do.
Phải mất thêm một năm nữa để đội lắp ráp công trình biểu tượng cho những giá trị bền vững của nước Mỹ, phần lớn công nhân là người nhập cư. Do bệ đỡ quá rộng, các kỹ sư không thể dựng giàn giáo, và các công nhân treo lơ lửng trên dây thừng để lắp đặt các phần bên ngoài. May mắn, không ai thiệt mạng trong quá trình xây dựng.
Ngày nay, để đến tham quan tượng Nữ thần Tự do, du khách cần khởi hành từ công viên Battery New York hoặc công viên bang Liberty tại New Jersey. Nếu có vé điện tử, bạn chỉ cần in và đem theo khi xếp hàng check-in, đi phà ra đảo Liberty và Ellis. Giá vé tham quan bao gồm chi phí đi phà từ 16 USD cho trẻ 4-12 tuổi, 26,25 USD một người lớn và 21 USD cho người già trên 62 tuổi.
Tượng Nữ thần Tự do từng bị đóng cửa 100 ngày sau thảm họa 11/9/2001. Nơi này mở cửa trở lại với khu vực tham quan bên dưới, nhưng trải nghiệm bên trong bức tượng không mở cho đến tháng 8/2004. Ngày nay, du khách có thể lên đài quan sát bên trên bệ tượng, một lối đi dạo, bảo tàng, khu vực pháo đài Fort Wood và Đảo Ellis.
Phạm Huyền (Theo Statue of Liberty)
Xem thêm
Ý nghĩa ngọn đuốc trên tay tượng Nữ thần Tự do ở Mỹ