Theo quy định hiện hành, nhà sản xuất không được quảng cáo sữa và các sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi với bất kỳ hình thức nào. Mới đây Nghị định 21 của Thủ tướng thắt chặt hơn khi mở rộng ra các sản phẩm dành cho trẻ dưới 1 tuổi. Tuy nhiên trên thực tế, các sản phẩm này vẫn được quảng cáo ngụy trang rất khéo léo.
Các tờ rơi quảng cáo sữa. Ảnh: X.T |
Cổ điển nhất là tiếp thị khách hàng bằng những tờ rơi, trong đó có hình ảnh, lời giới thiệu rất hấp dẫn về các sản phẩm có thể thay thế sữa mẹ như tăng khả năng phát triển trí não, chiều cao, đầy đủ dưỡng chất... Đã nhiều lần, Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc tại VN gửi đến thanh tra Bộ Y tế hàng tập tờ rơi như vậy và cho hay họ thấy chúng được phát ở rất nhiều điểm như bệnh viện, siêu thị, trung tâm thương mại.
Một hình thức quảng cáo rất khéo khác là tại các buổi hội thảo phổ biến kiến thức chăm sóc bà bầu và em bé do chính các công ty sữa tổ chức, luôn có một quầy hàng bán và cho thử sữa. Tuy trong buổi hội thảo, bác sĩ cũng như đại diện của nhà tài trợ không nhắc đến bất kỳ thông tin nào liên quan đến những sản phẩm cấm quảng cáo, nhưng các nhân viên bán hàng ở ngoài vẫn tiếp thị nhiệt tình. Tại một buổi hội thảo ở khách sạn Bảo Sơn mới đây, khá nhiều bà bầu mua sẵn một hộp sữa ngoại dành cho nhũ nhi vì được quảng cáo giá rẻ hơn bên ngoài 5%.
Na ná cách làm trên tại khá nhiều siêu thị như Big C, Fivimart, Marko, Vinaconex thường có một vài cô gái trẻ (không phải nhân viên siêu thị) tư vấn nhiệt tình cho bất kỳ khách hàng nào có ý định tìm mua sữa, nhưng họ chỉ tập trung vào một nhãn hiệu nào đó.
Chị Nguyễn Thị Hải Nguyệt, làm việc tại một liên doanh lớn ở Hà Nội cho biết lúc mới sinh em bé được 1 tháng, chị giật mình khi có người gọi điện đến nhà hỏi han tình hình sức khỏe cả mẹ và con. Hỏi ra mới biết đó là nhân viên công ty phân phối sữa. Những cô gái "tốt bụng" này thường gợi ý khéo léo nếu thiếu sữa mẹ chị có thể cho con dùng thử sản phẩm của hãng. "Tôi chưa từng tiếp xúc với nhân viên công ty đó, không hiểu sao họ lấy được số điện thoại nhà riêng lại biết mình mới sinh em bé được một tháng", chị kể.
Tuy nhiên theo tiết lộ của một sinh viên, làm nhân viên thúc đẩy sản phẩm cho các hãng sữa ngoại chẳng có gì khó khăn. Họ chỉ cần đến các bệnh viện phụ sản, phòng khám tư bồi dưỡng tý chút cho bộ phận hành chính tiếp nhận hồ sơ là có cả bản danh sách dài tha hồ gọi. Rất nhiều khách hàng tiềm năng đã trở thành khách hàng thân thiết của hãng nhờ kiểu tiếp thị này.
Ngay các đài truyền hình dù kiểm duyệt khá kỹ các mẩu tin quảng cáo song những đoạn hình ảnh chạy một loạt sữa 1 (dành cho trẻ dưới 6 tháng), sữa 2 và sữa 3 (dành cho trẻ trên 6 tháng và trên 1 tuổi) vẫn xuất hiện.
Nhắc nhở là chính
Trao đổi với VnExpress, ông Trần Quang Trung, Chánh thanh tra Bộ Y tế cho hay qua các đợt kiểm tra, số doanh nghiệp lách luật quảng cáo sữa và các sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhũ nhi rất nhiều, khó có thể thống kê hết các thủ thuật. Tuy nhiên những quảng cáo này đều ở mức độ không nghiêm trọng, không gây ngộ nhận cho các bà mẹ trẻ rằng sữa ngoài tốt hơn sữa mẹ, do đó thanh tra Bộ chủ yếu cảnh cáo, nhắc nhở.
Các trường hợp phạt, đình chỉ bán sản phẩm thường rơi vào lỗi do vi phạm nhãn mác chứ không phải do quảng cáo. Chỉ có một lần cơ quan này có công văn yêu cầu Công ty Abbott Laboratories không được quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng nội dung các sản phẩm thay thế sữa mẹ có chứa dầu cọ có thể gây giảm khoáng hóa xương ở trẻ nhũ nhi, do không có căn cứ khoa học.
Các bệnh viện tuy có quy định không cho trẻ sơ sinh bú bình nhưng nhiều gia đình không thực hiện, các bác sĩ, y tá cũng chẳng nhắc nhở. Vì quen bú bình ngay lúc mới sinh, dù sau đó mẹ có sữa nhiều trẻ nhỏ nhất định không chịu bú khiến bà mẹ sau 3-4 tháng tự mất sữa.
Cơ quan quản lý cho rằng những quảng cáo trên không có mấy tác dụng. Tuy nhiên trên thực tế do ảnh hưởng từ quảng cáo, tư vấn của các nhân viên tiếp thị nhiều bà mẹ trẻ vẫn cho rằng nuôi con bằng sữa ngoài tốt hơn sữa mẹ. Khi mẹ chồng giục cố ăn bát cháo móng giò cho nhiều sữa, chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn, vừa sinh con tại bệnh viện C chép miệng: "Ôi dào, bà cứ vẽ chuyện, cho cháu ăn bằng sữa ngoài cũng được. Trẻ con ở nước ngoài nuôi bộ mà vẫn bụ bẫm khỏe mạnh đấy thôi".
Sau khi Nghị định 21 được ban hành, nhiều công ty dự kiến sẽ thay đổi kế hoạch marketing. Ông Lê Viết Hà, giám đốc công ty Hancofood cho hay phải thiết kế lại toàn bộ bao bì và ghi nhãn sản phẩm, đồng thời tăng ngân sách dành cho các hình thức chăm sóc khách hàng như tổ chức hội thảo, thăm hỏi, quà tặng... Hiện doanh số các loại sữa dành cho trẻ dưới 12 tháng tuổi chiếm 20% tổng doanh thu của công ty. Đại diện một công ty sữa tại TP HCM cũng cho hay, đội ngũ nhân viên tiếp thị của hãng sẽ tăng cường có mặt ở các bệnh viện sản để ký gửi sữa, nắm danh sách sản phụ và bé sơ sinh để có các chương trình quà tặng, mời hội thảo, trở thành hội viên, chúc mừng đầy tháng... Ông này dự báo thời gian tới, những hoạt động này còn nhộn nhịp hơn. |
Việt Phong - Phan Anh