Thiếu tướng Nguyễn Viết Lượng, Chính ủy Học viện Quân y, cho biết đây là đoàn thứ 3 và thứ 4 từ Học viện Quân y chi viện hai tỉnh chỉ trong ba ngày qua. Lần này là đoàn đông nhất được cử đi. Trước đó hai ngày, 120 cán bộ, học viên, chia làm hai đoàn, cũng mang theo 4 container thiết bị, tới Bắc Giang.
"Đây là lực lượng cận chiến của học viện cũng như quân y", thiếu tướng Nguyễn Viết Lượng cho biết.
Theo thiếu tướng Lượng, yêu cầu nhiệm vụ lần này phức tạp và kéo dài. Học viên tập trung phối hợp chống dịch với các CDC, UBND, theo sự điều phối của địa phương. Cán bộ, học viên vừa chống dịch và đảm bảo an toàn cho chính bản thân, tránh suy giảm lực lượng và sức chiến đấu.
Thượng sĩ Nguyễn Viết Mận, sinh viên năm thứ 5, lớp phó học tập lớp 50B, cho biết có 87 người trong số 100 người thuộc lớp 50B được cử tham gia nhiệm vụ chống dịch hôm nay.
"Mọi việc diễn ra rất nhanh và gấp rút, lớp 50B luôn sẵn sàng. Đợt dịch này sẽ gian nan, vất vả song chúng tôi có quyết tâm đóng góp vào công tác chống dịch, để Việt Nam một lần nữa chiến thắng Covid-19", thượng sĩ Mận nói.
Bên cạnh đó, Học viện Quân y cũng thiết lập Trung tâm xét nghiệm dã chiến, hỗ trợ hai tỉnh xét nghiệm Covid-19. Họ mang theo bộ kit AmphaBio HT- Hithroughput PCR Covid-19, do học viện phối hợp với 2 công ty nghiên cứu, sản xuất, có thể phát hiện được hầu hết các biến chủng của nCoV. Kit xét nghiệm này đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành ngày 7/5.
Theo thiếu tướng Lượng, xét nghiệm nhanh được sử dụng để sàng lọc, độ chính xác lên tới 98% khi được so sánh với xét nghiệm PCR trong điều kiện phòng thí nghiệm. Nếu phát hiện nhóm dương tính, phòng xét nghiệm chỉ cần kiểm tra lại bằng PCR để bảo đảm chính xác.
Chi Lê