Tham vọng xây dựng quân đội "đẳng cấp thế giới" của ông Tập. Video: SCMP.
Đại hội 19 đảng Cộng sản Trung Quốc vừa bầu Quân ủy Trung ương mới với 7 thành viên, ít hơn đáng kể so với 11 thành viên trước đó. Giới phân tích đánh giá rằng cơ cấu tinh gọn của Quân ủy Trung ương khóa mới sẽ củng cố đáng kể quyền lực và khả năng kiểm soát của Chủ tịch Tập Cận Bình đối với Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), theo SCMP.
Ông Tập cách đây vài năm đã bắt đầu cuộc cải cách chưa từng có đối với PLA, trong một nỗ lực nhằm hiện thực hóa tham vọng biến Trung Quốc thành siêu cường hàng đầu thế giới vào năm 2050. Ông muốn biến đội quân hai triệu người đông nhất thế giới này thành lực lượng quân sự hiện đại hóa hoàn toàn vào năm 2035 và trở thành quân đội tinh nhuệ bậc nhất thế giới vào giữa thế kỷ.
Để thực hiện được tham vọng đó, ông Tập buộc phải nắm chắc quân đội trong tay, thực hiện quyền lãnh đạo, kiểm soát toàn diện đối với mọi hoạt động của PLA. Quyền lực đó được ông thể hiện qua cuộc tái sắp xếp Quân ủy Trung ương (CMC), cơ quan lãnh đạo quân đội, với những gương mặt thân cận thể hiện được lòng trung thành với ông.
Trong Quân ủy Trung ương mới, ông Tập giữ chức chủ tịch. Hai vị trí phó chủ tịch được đảm nhiệm bởi thượng tướng không quân Hứa Kỳ Lượng (Xu Qiliang) và thượng tướng lục quân Trương Hựu Hiệp (Zhang Youxia). Hai tướng này đều được coi là những người thân cận và rất trung thành với ông Tập.
Bốn ủy viên CMC gồm thượng tướng Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe), thượng tướng Lý Tác Thành (Li Zuocheng), đô đốc Miêu Hoa (Miao Hua) và trung tướng Trương Thăng Dân (Zhang Shengmin). Trong số đó, chỉ có Ngụy Phương Hòa là gương mặt cũ, ba vị tướng còn lại là những người lần đầu được bầu vào cơ quan này.
"6 tướng lĩnh trong Quân ủy Trung ương hoặc là những người dày dạn kinh nghiệm từng thề trung thành với ông Tập khi ông nắm quyền vào năm 2012, hoặc là những sĩ quan trẻ hơn do chính ông cất nhắc", một đại tá về hưu ở Bắc Kinh nhận định.
Giới phân tích cho rằng đây là động thái rất quan trọng của ông Tập để nắm toàn quyền lãnh đạo cơ quan quyền lực này cũng như toàn bộ lực lượng vũ trang Trung Quốc, theo ABC News.
"Toàn bộ cấu trúc của PLA đã được thay đổi đáng kể. Trong hai tháng qua, chúng ta đã chứng kiến sự thăng tiến của 20 tướng lĩnh gần gũi với ông Tập", giáo sư Willy Lam thuộc Đại học Hong Kong Trung Quốc, nhận định. "Đó là những tướng mà ông Tập đã biết mặt từ thời công tác ở Phúc Kiến và Chiết Giang giai đoạn 1985-2007. Những tướng lĩnh mà ông Tập tin tưởng đều được đề bạt".
Ủy ban của Chủ tịch
Quân ủy Trung ương là cơ quan giám sát, chỉ đạo mọi hoạt động của quân đội và cảnh sát vũ trang Trung Quốc, còn chủ tịch Quân ủy Trung ương trên thực tế được coi như tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang nước này.
Quân ủy Trung ương Trung Quốc trước đây có bốn bộ phận giám sát bốn cơ quan khác nhau của PLA, gồm Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần và Tổng cục Quân khí, hay thường được gọi là "Tứ Tổng".
Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc không phải nghiễm nhiên trở thành chủ tịch Quân ủy Trung ương. Trên thực tế, ông Hồ Cẩm Đào đã phải chờ đợi hơn hai năm sau khi nhậm chức chủ tịch, tổng bí thư mới được tiếp quản vị trí chủ tịch Quân ủy Trung ương từ người tiền nhiệm Giang Trạch Dân.
Tuy nhiên, dưới thời ông Hồ Cẩm Đào, hai phó chủ tịch Quân ủy Trung ương là Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu được cho là đã lấn lướt vai trò của ông.
Sau khi lên nắm quyền, ông Tập lập tức tiếp quản vị trí Chủ tịch Quân ủy Trung ương và quyết tâm thực hiện kế hoạch tái cấu trúc sâu rộng PLA. "Tứ Tổng" bị giải tán hồi năm ngoái và được thay thế bằng 15 "cơ quan quản lý" có quy mô nhỏ hơn, chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương. Những cơ quan này thực hiện các nhiệm vụ chuyên trách cụ thể hơn nhưng không có quyền đưa ra quyết định cuối cùng, tất cả đều phải thông qua Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình.
Hai cựu phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu đều bị điều tra trong chiến dịch chống tham nhũng "đả hổ, diệt ruồi" do ông Tập khởi xướng. Từ Tài Hậu chết vì ung thư năm 2015 trong thời gian bị điều tra, còn Quách Bá Hùng bị kết án chung thân năm ngoái với tội danh tham nhũng.
Các quan sát viên cho rằng việc ông Tập đưa tướng Trương Thăng Dân, người đứng đầu Ban Kiểm tra Kỷ luật Quân đội, tham gia Quân ủy Trung ương là dấu hiệu cho thấy ông sẽ tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng trong lực lượng vũ trang, qua đó tăng cường hơn nữa quyền lực của mình.
Các động thái này của ông Tập đã làm thay đổi đáng kể diện mạo của Quân ủy Trung ương Trung Quốc, tạo nên "hệ thống trách nhiệm chủ tịch ủy ban", trong đó nhấn mạnh vai trò của chủ tịch CMC đối với quân đội Trung Quốc.
"Mọi vấn đề trọng đại liên quan đến quốc phòng và xây dựng quân đội đều phải do chủ tịch CMC quyết định và mọi công việc tổng thể của CMC đều phải do chủ tịch chủ trì và phụ trách", một bài viết năm 2014 trên PLA Daily, cơ quan ngôn luận của quân đội Trung Quốc, giải thích về hệ thống này.
Giới quan sát cho rằng với việc nắm mọi quyền lực trong CMC, ông Tập sẽ thúc đẩy hơn nữa công cuộc hiện đại hóa quân đội Trung Quốc trong nhiệm kỳ hai của mình, đồng thời thể hiện lập trường cứng rắn hơn trong các hồ sơ quốc tế. Giáo sư Joseph Chen thuộc Đại học Thành phố Hong Kong cho rằng đây sẽ là một phần trong tham vọng biến Trung Quốc thành siêu cường của ông Tập.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khẳng định quân đội Trung Quốc vẫn còn một hành trình dài trong nỗ lực hiện đại hóa này, bởi họ chưa được thử thách trong thực chiến suốt nhiều thập kỷ qua, không giống như quân đội Mỹ thường xuyên thử lửa trên chiến trường Trung Đông.
"Trung Quốc dĩ nhiên muốn có tiếng nói và quyền kiểm soát trong nhiều vấn đề quốc tế thông qua phát triển lực lượng quân sự. Nhưng đây là một quá trình lâu dài, tốn kém và có thể gây lo ngại cho các nước láng giềng, nên sẽ là những thách thức lớn mà Trung Quốc phải đối mặt", giáo sư Chen nói.
Trí Dũng