Buổi tối tôi đang ngồi đọc cuốn sách mới mua có tựa đề: "Mưu hèn kế bẩn nơi công sở" của tác giả Colin Gautreys, Mike Phipps với hy vọng có thêm hiểu biết về cuộc sống chốn công sở hiện nay và tham khảo thêm những giải pháp hữu ích, hiệu quả làm sao để vừa đối phó với tiểu nhân nơi công sở, lại vừa hoàn thành tốt công việc được giao phó.
Trong lúc đó, cô bạn gái thân gọi điện tâm sự những ấm ức mà cô ấy vừa phải đối mặt ở công ty. Hai chúng tôi đã tranh luận rất nhiều nhưng chưa ngã ngũ giữa hai lựa chọn: "im lặng là vàng" hay chuyển công tác khi có xung đột xảy ra?
Câu chuyện của cô bạn tôi không phải là chuyện hiếm gặp nơi công sở. Với tính cách thẳng thắn, nghiêm túc, làm việc trách nhiệm, giải quyết công việc theo đúng quy định, không tìm cách lấy lòng ai, không về phe cánh với ai, không chịu thỏa hiệp với những hành vi sai trái nên không được lòng đa số đồng nghiệp.
Chính vì cô không có ô dù nào che chở như người khác nên mỗi khi ở phòng có công việc nào khó khăn không ai làm được hoặc không ai muốn làm vì làm những công việc đó không tạo ra lợi ích cho cá nhân họ hoặc là phải va chạm với những đối tượng không phải dạng vừa ở cơ quan hoặc là mỗi khi phải đi ra bên ngoài xử lý những công việc khó nhằn thì y như rằng lãnh đạo phòng giao việc đó cho cô bất chấp mọi lý do đều không phù hợp.
Nếu như người khác bức xúc với lãnh đạo, họ không nói trực tiếp với lãnh đạo mà chỉ đi nói sau lưng, trước mặt vẫn nịnh lãnh đạo như không có chuyện gì xảy ra thì cô lựa chọn trao đổi riêng với lãnh đạo về những việc mà cô không tán thành với quyết định của sếp. Khi sếp không chịu lắng nghe ý kiến của cô thì cô mới báo cáo sự việc với cả phòng và gửi ý kiến chính thức bằng văn bản với hy vọng lãnh đạo sẽ nhận thức ra vấn đề không hợp lý.
Tuy nhiên, điều đáng buồn là mọi ý kiến bằng lời nói hay văn bản của cô đều không được quan tâm. Thậm chí, khi vấn đề vướng mắc được đưa ra trao đổi thì đa số những người còn lại đều hùa về với lãnh đạo để ủng hộ quyết định của lãnh đạo là đúng. Người thì nói rằng họ sẵn sàng nhận việc đó không vấn đề gì nhưng họ sẽ không làm công việc thường quy mà họ đang làm.
Người khác lại nói rằng việc đó không khó như cô nghĩ, cô cứ làm đi rồi sau này nếu phòng phải làm việc tương tự thì họ sẽ nhận làm. Người thì nói rằng cô phải cố gắng làm đi, người phòng khác khi được giao nhiệm vụ ấy ai cũng vui vẻ nhận việc.
Người thì im lặng, né tránh không có ý kiến cũng không bảo vệ cô. Ai cũng nói ra những lý do rất hay, tỏ ra là mình sẵn sàng nhận việc lãnh đạo giao, việc ấy không khó nhưng kết luận lại chẳng ai nhận làm việc đó. Lãnh đạo cũng nói mọi lý do cô trình bày trong văn bản về việc cô không đồng ý với quyết định của lãnh đạo đều đúng nhưng vẫn nhất quyết ép cô làm.
Trong cuộc họp cô không muốn nói gì thêm bởi tất cả những điều cần nói đều đã trao đổi với cả phòng từ trước, đều đã ghi rõ ý kiến trong văn bản nhưng lãnh đạo phòng và đa số nhân viên còn lại đều về một phe với nhau để dồn cô vào thế không thể không nhận việc đó.
Một mình cô không thể nói lại cả một tập thể khi đa số họ đều có chung một mục đích giống nhau là chỉ cần bản thân họ, không cần phải làm việc đó thì việc làm tổn thương ai và chèn ép ai đều được. Họ đều có chung một mục đích là đá việc sang chân cho cô và cùng hả hê khi cô phải làm. Dù có nói nhiều cũng không giải quyết được việc gì mà lại mất thời gian của mình. Cô đã chọn im lặng và nhận việc nhưng trong lòng không phục, cảm thấy chán nản, không còn chút tâm huyết nào với công việc đang làm.
Thực ra, với năng lực của cô, công việc đó không thể làm khó, nhưng cô không muốn nhận là vì lãnh đạo phân công không hợp lý về mọi mặt. Lãnh đạo luôn thiên vị những người khác, tìm mọi lý do để không phân việc cho người khác mà đẩy hết các công việc khó hay việc phải va chạm với nhiều người cho cô làm.
Dù cô luôn miệt mài làm việc từ sáng đến tối, hoàn thành mọi công việc trong lặng lẽ, không bao giờ giở chiêu bài chụp ảnh làm việc ngoài giờ lên nhóm phòng cho cả phòng biết mình đang làm nhiều việc hoặc chạy sang các phòng sau giờ làm để mọi người biết mình làm thêm ngoài giờ. hoặc đi tâm sự với các lãnh đạo hoàn cảnh của mình thế này thế kia để tranh thủ sự thông cảm của mọi người, để được ưu ái hơn người khác.
Cô nỗ lực cả năm, nhận làm tất cả mọi việc khó khăn mà lãnh đạo giao không kêu ca, phàn nàn, không tỵ nạnh với đồng nghiệp thì đến cuối năm khi đánh giá, bình bầu danh hiệu, lãnh đạo của cô không nói được một câu công bằng cho cô, không có lý lẽ thuyết phục nào để bảo vệ cô mà hùa theo đám đông để khen thưởng người khác không hề xứng đáng. Lúc giao việc khối lượng nhiều, công việc khó khăn, va chạm thì sếp nói rằng cần chọn mặt gửi vàng, cần người có trình độ cao, có kinh nghiệm, có trách nhiệm, làm việc chỉn chu để giao việc nhưng khi đánh giá cuối năm xét thành tích thì lãnh đạo không bao giờ nghĩ đến đề xuất cho cô được khen thưởng xứng đáng.
Người thì đánh đồng cô cũng chỉ ngang như những nhân viên khác, người thì không nói tốt cho cô được câu nào, người thì đánh giá cao người tích cực ngoại giao với họ mặc dù họ biết rõ cô làm việc như thế nào. Họ không căn cứ vào khối lượng công việc đã giao cho nhân viên trong năm và mức độ hoàn thành công việc cuối năm để đánh giá. Chiêu bài phổ biến mà họ sử dụng triệt để là bỏ phiếu để lựa chọn người đạt thành tích cao nhất.
Khi mà đa số đám đông đều hùa về một phe, bỏ phiếu chỉ thiên về tình cảm cá nhân chứ không căn cứ vào khối lượng công việc thực tế đã hoàn thành, không căn cứ vào sản phẩm công việc, chất lượng công việc thì người không hùa theo đám đông sẽ luôn là người được ít phiếu tín nhiệm nhất và kết quả bình bầu không chính xác. Mọi sự nỗ lực của cô đều không được lãnh đạo và đồng nghiệp ghi nhận mới là điều làm cô cảm thấy buồn nhất và thấy không còn lý do gì để cống hiến cho cơ quan.
Khi mà vàng thau lẫn lộn, làm ăn lớt phớt, lúc nào thích đến cơ quan thì đến, thời gian hành chính còn không sử dụng hết để làm việc, toàn tận dụng giờ hành chính để làm việc cá nhân nhưng cứ khi có việc là kêu bận phải làm ngoài giờ, kêu ca với tất cả mọi người để ai cũng phải biết là họ đang làm việc, làm ít nhưng giỏi quan hệ với lãnh đạo nên lãnh đạo nào cũng ủng hộ và bênh vực trong cuộc họp.
Cô chấp nhận chẳng cần phấn đấu gì trong sự nghiệp, không cần thành tích gì ở công ty. Nhưng điều cô không phục đó là, tại sao lãnh đạo của cô chỉ nhớ đến cô khi cần giao những việc không ai muốn làm? Còn khi khen thưởng thì lại đề xuất và bảo vệ người khác mà không phải cô? Nếu lãnh đạo đánh giá cao về người khác thì sao không giao việc khó cho họ làm mà cứ đẩy hết cho cô? Đó là điều mà cô cứ tự hỏi nhưng không có ai trả lời.
Cô bạn kể chuyện một thôi một hồi, xả hết bao nhiêu ấm ức, tủi thân ra với tôi rồi nhờ tôi tư vấn với môi trường làm việc độc hại như công ty của cô ấy thì cô ấy nên duy trì chiến thuật "im lặng là vàng" hay chuyển công tác?
Quan điểm của tôi là một nhà quản lý giỏi không chỉ được đánh giá dựa trên năng lực chuyên môn mà còn phụ thuộc vào kỹ năng lãnh đạo của họ có tạo động lực làm việc và khiến cho nhân viên của mình nể phục hay không.
Khi có nhân viên giỏi nghỉ việc, những người làm sếp thường có xu hướng nghĩ đến lý do tiền lương, chế độ đãi ngộ của đơn vị mà quên rằng, đôi khi chính họ là nguyên nhân khiến nhân viên rời bỏ công ty. Sai lầm mà lãnh đạo thường hay mắc phải như: không tôn trọng nhân viên; không công nhận năng lực của nhân viên; đối xử thiếu công bằng; buộc nhân viên làm việc quá sức; không giữ đúng cam kết; môi trường làm việc độc hại.
Lãnh đạo chính là tấm gương cho nhân viên noi theo trong cách làm việc. Nếu như nhà lãnh đạo không gắn kết với tập thể, không tâm huyết và dành nhiều thời gian làm việc thì tất nhiên là nhân viên của họ cũng sẽ có cảm giác chán nản, không có động lực để tạo ra kết quả làm việc tốt nhất. Điều này còn thể hiện đó là những nhà lãnh đạo thất bại, không nhận được sự nể phục của nhân viên. Ngược lại, nếu như nhà lãnh đạo là một người có trách nhiệm với công việc, yêu thích và luôn truyền cảm hứng làm việc cho nhân viên của mình thì chắc chắn sẽ là một tấm gương tốt cho nhân viên noi theo, tạo ra một môi trường làm việc hiệu quả với năng suất cao hơn mong đợi.
Nếu như bạn đã làm việc tích cực, hết trách nhiệm, có báo cáo bằng văn bản đối với những quyết định sai của lãnh đạo mà lãnh đạo của bạn vẫn ép bạn phải thi hành thì bạn phải chấp hành nhưng không chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành. Tuy nhiên, với cách này người lao động dễ bị mất việc hoặc bị chèn ép nên có người lao động chọn cách thỏa hiệp với mệnh lệnh sai trái của cấp trên thành ra trở thành vi phạm pháp luật và trên thực tế nhiều người lao động đã phải ra tòa cùng với cấp trên khi sự việc bị phát giác. Vì vậy, người lao động phải có cách ứng xử khôn khoan, đúng luật khi cấp trên ra mệnh lệnh trái luật để tự cứu mình.
Trong quá trình làm việc, bạn sẽ luôn gặp phải nhiều khó khăn nhất định: sếp khó tính, năng lực chuyên môn kém hay năng lực quản lý kém, đồng nghiệp chơi xấu, môi trường thiếu chuyên nghiệp, không công bằng, lương thấp, chế độ đãi ngộ kém... Hãy bình tĩnh, không cãi nhau với lãnh đạo và đồng nghiệp trong cuộc họp, bạn nên cư xử nhẹ nhàng và khéo léo xoay chuyển cục diện.
Cố gắng làm việc của bạn thật tốt, không quan tâm đến thái độ của những người xung quanh. Bởi lẽ, chuyển công tác cũng sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cao khi bạn không may mắn chuyển sang một đơn vị tồi tệ hơn cả cơ quan cũ của bạn. Bạn sẽ phải hối hận khi rơi vào hoàn cảnh "tiến thoái lưỡng nan", không thể quay lại chỗ làm cũ và không thể chuyển sang một chỗ làm mới phù hợp với mong muốn của bạn. Nếu bạn đã thử đủ tất cả các biện pháp mà thái độ của sếp vẫn không hề cải thiện, thường xuyên giao việc khó, bắt bạn làm việc nhiều hơn người khác và ưu ái cho một số người khác thì bạn nên chấm dứt công việc hiện tại và tìm cho mình một môi trường công bằng, tôn trọng nhân viên hơn.
Cố gắng chịu đựng trong một môi trường độc hại sẽ khiến bạn luôn ở trong trạng thái chán nản, mất hết động lực làm việc, trở thành một người bi quan, tiêu cực, khó tính. Hãy sáng suốt đưa ra quyết định: ở lại hay ra đi. Khi tự tin với chính năng lực của mình, bạn sẽ dễ dàng tìm thấy bến đỗ phù hợp, làm việc với sếp vừa có tài lại có tâm. Đó là lời khuyên của tôi dành cho bạn mình. Còn bạn, bạn có quan điểm như thế nào về vấn đề trên?
Vũ Thị Minh Huyền
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.