Nằm trong một con hẻm nhỏ gần Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM ở quận 1 là hàng phở nhỏ đã tồn tại được 44 năm. Chủ quán là bà Thái Mỹ Hạnh, 66 tuổi. Trước khi dời về địa chỉ hiện tại, bà bán trong chợ Thái Bình khoảng 10 năm.
Bà Hạnh được ba truyền cho công thức nấu phở từ khi còn là thiếu nữ. Đến nay, bà vẫn giữ nguyên cách nấu đậm chất miền Nam. Hàng phở của bà luôn có sự xuất hiện của chị gái và em trai - những người phụ giúp các công việc như bưng bê, dọn dẹp.
Mỗi ngày, bà Hạnh dậy sớm để đi chợ mua đồ tươi rồi đem về sơ chế cùng các thành viên trong gia đình. Hơn 8h, bàn ghế được xếp lần lượt ra góc con hẻm nhỏ. Khi phục vụ khách, bánh phở và giá được trụng rồi cho vào tô. Sau đó, tuỳ theo khách gọi, các loại thịt được xếp lên trên. Món ăn còn thêm chút hành lá xắt nhỏ và hành tây bào mỏng. Bà Hạnh chan mỗi tô hơn vá nước lèo rồi bưng ra cho khách.
Như bao quán bình dân khác, khách ngồi trên bàn ghế thấp, xung quanh gian bếp của bà Hạnh để thưởng thức món ăn. Ngay khi ngồi vào bàn, bạn sẽ ngửi thấy mùi thơm của nước dùng được hầm từ xương ống bò.
Sợi phở ở địa chỉ này là bản nhỏ, mềm. Nước dùng trong và vàng nhẹ, vị đậm đà. Bạn có thể gọi các món phở quen thuộc như tái gân, tái nạm hay bò viên.
Trên bàn ăn của khách luôn để sẵn những thố rau sống ăn kèm. Hai loại tương cùng ớt, chanh cũng đặt cạnh cho khách có nhu cầu thêm thắt.
Sau khi tốt nghiệp trường sân khấu, anh Nguyên Khánh (hiện sống ở quận 1) vẫn quay trở lại quán bà Hạnh như một thói quen. "Lúc còn đi học, tôi và bạn bè hay ghé chỗ dì Hạnh ăn sáng. Phở ở đây ngon, ăn quen rồi không thích đi chỗ khác", anh Khánh nói.
Đối với bà Hạnh, đây là không chỉ công việc mà còn là niềm vui trong cuộc sống. "Nói chuyện với khách, nhìn khách ăn ngon làm tôi vui lắm", bà chia sẻ. Những hôm Sài Gòn nắng nóng, khách vẫn tìm đến địa chỉ lọt thỏm trong con hẻm. Ánh nắng hắt lên tấm bạt xanh, ai nấy mồ hôi nhễ nhại nhưng bà chủ và khách vẫn tươi cười trò chuyện.
Quán không có giờ đóng mở cửa cố định. Bà chủ thường hoàn tất các công đoạn chuẩn bị trước 8h để kịp đón khách, và đóng cửa khi hết hàng. Do quán nằm sâu trong hẻm nhỏ, không gian chật hẹp và ít có chỗ để xe.