Trong hẻm của cư xá hàng không cũ trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3) có một quán phở Bắc được nhiều người ở Sài Gòn biết tới. Thương hiệu quán lấy tên của người chủ đầu tiên năm xưa: phở Dậu.
Bà Dậu di cư vào Sài Gòn cuối thập niên 1950 là người gốc Nam Định, vùng có nghề làm phở truyền thống nức tiếng đất Bắc từ xưa. Không rõ bà Dậu có đến từ những làng nghề phở nổi tiếng như Giao Cù, Tây Lạc, Vân Cù, Đồng Sơn, nhưng phở ở quán bà tuân thủ đúng lối nấu truyền thống.
Nước dùng ninh từ xương ống bò và các gia vị như thảo quả, gừng nướng, hoa hồi, đinh hương, quế... để khi chan vào tô phở có màu hổ phách trong suốt. Tô phở nóng chỉ sử dụng hành hoa và mùi làm rau gia vị. Quán có nước mắm để thực khách nêm nếm, không dùng tương đen. Điểm khác biệt duy nhất là sợi bánh phở nhỏ hơn phiên bản gốc. Người bán hàng giải thích sự cải biến này là để sợi mềm dai, dễ gắp hơn.
Ngoài ra, phở Dậu sau hơn nửa thế kỷ vẫn không phục vụ rau giá ăn kèm như các quán phở Bắc ở Sài Gòn hiện giờ. Trên bàn chỉ có thêm một chén hành tây xắt mỏng, người thì cho vào tô phở nóng, người thì châm nước mắm và chút ớt trộn đều như gỏi ăn cùng.
Trước đây, phở Dậu còn được gọi là "phở Nguyễn Cao Kỳ", do ông Nguyễn Cao Kỳ khi còn đương chức thường xuyên ghé qua ăn. Cho đến lúc gần đất xa trời, ông trở về Việt Nam cũng tìm tới đây.
Thương hiệu phở Dậu được nhiều thế hệ sinh sống ở Sài Gòn ưa chuộng cho tới nay và có nhiều khách phương xa đến quán. Quán giữ khách có lẽ bởi vị ngon đặc trưng, chứ không hẳn vì nhiều người nổi tiếng thường lui tới.
Đến quán ngày cuối tuần, bạn sẽ bắt gặp khung cảnh nhộn nhịp ngay từ lối vào cư xá. Khoảng 8h, bãi đỗ xe phía trước kín chỗ và có người trông coi, khách vào rồi ra liên tục. Khách đến đây chủ yếu là Việt kiều, người ăn quen lâu năm. "Cũng có khách vãng lai là người đi du lịch. Nhìn qua là chúng tôi biết ngay", một nhân viên tự tin nói.
"Bà ngoại tôi thích phở Dậu, cả cha mẹ và anh em tôi cũng thấy ngon, thỉnh thoảng vẫn mua về ăn sáng", anh Hoàng (26 tuổi, quận 4) cho biết. Hiện sống ở quận Tân Bình, chị Lan cho biết tháng nào cũng ghé quán ăn một lần. "May có hàng phở đúng điệu Nam Định, tôi lâu lâu ăn cho đỡ nhớ quê nhà", chị nói.
Giá tô nhỏ là 65.000 đồng, tô lớn 70.000 đồng và tô đặc biệt 80.000 đồng. "Phở ngon thật nhưng giá hơi cao, tụi em toàn mua về, kêu thêm bánh phở để chia nhau ăn", một bạn trẻ cho biết.
Quán chỉ bán buổi sáng, từ 6 đến gần 12h. Nếu đi vào cuối tuần có thể phải chờ khoảng 20 phút mới có bàn. Nhân viên phục vụ nhanh và tận tình. Không gian ăn uống sạch sẽ và thoáng.
Xem thêm: 5 quán phở với đủ cách chế biến ở trung tâm Sài Gòn