Đều đặn 9h hàng ngày, bà Phượng dọn hàng ra đầu hẻm trên đường Cô Bắc, quận 1, bán ốc các loại, "món chẳng mấy người ở Sài Gòn phục vụ vào buổi sáng".
Bà Phượng bắt đầu công việc hàng ngày từ 12h đêm, chạy xe xuống chợ đầu mối thủy hải sản Bình Điền, quận 8, để lựa các loại ốc bán cho ngày hôm sau. "Về nhà làm sạch, sơ chế một mạch đến 8h sáng, rồi dọn hàng bán luôn. Hôm nào đuối quá không thức đêm được thì tôi đành nghỉ bán", bà Phượng nói.
Từ 9h, quán ốc của bà bắt đầu tiếng lách cách đảo chảo. Mùi thơm của ốc xào, ốc nướng cùng mùi khói than lan ra cả con hẻm. Quán "xưa thế nào nay vẫn vậy" với một xe đẩy đặt chừng 13-15 rổ ốc lớn nhỏ, một bếp than củi, hai bếp ga mini chế biến ốc, 13 bàn nhựa xếp dọc con hẻm cho khách ngồi.
Khách bắt đầu ngồi kín các bàn từ 10h, 3-4 người phụ bà chủ ghi món, chế biến, bưng bê, dọn bàn không ngơi tay. Vì quán trong hẻm nhỏ không nhiều chỗ ngồi, một nửa lượng khách đến quán để mua mang về. Những phần ốc bán mang về đựng trong hộp xốp, kèm gói nước chấm, rau sống ăn kèm. Mỗi phần ốc giá 30.000-35.000 đồng.
Nói về lý do chỉ bán buổi sáng, bà Phượng cho hay từ những ngày mới mở cửa, gia đình bà khó khăn nên được người dân trong hẻm thương và đồng ý cho bán hàng đầu hẻm. Vì là khu dân cư nên giờ bán hàng hạn chế, không được phép bán buổi tối. Những ngày đầu khách đến quán chủ yếu là người trong hẻm và dân văn phòng gần đó. Vài năm gần đây khách du lịch mới đến đông hơn.
Bà Phượng chia sẻ cách đây 3 năm khách đến quán đông gần gấp đôi bây giờ. Năm 2019, quán bà bất ngờ được một đoàn làm phim về ẩm thực của Mỹ tìm đến ghi hình. Sau khi tập phim phát sóng trên Netflix, khách tăng lên đáng kể, nhất là khách nước ngoài.
Một đôi bạn người nước ngoài có mặt tại quán bà Phượng giao tiếp với nhân viên bằng ngôn ngữ cơ thể và đặt món qua ảnh. Khách nữ tên Rachel, đến từ Đài Loan, lần đầu tiên du lịch TP HCM và cũng lần đầu trải nghiệm ăn ốc tại thành phố. Rachel cho biết khi lên lịch trình, tìm hiểu các điểm ăn uống địa phương đã đọc thấy nhiều lời nhận xét tốt về quán ốc này nên quyết định ghé thử.
"Ở Đài Loan có quán ốc đường phố nhưng rất ít gặp. Tôi cũng ăn thử ốc ở Đài Loan đôi lần, nhưng ốc không đa dạng như ở đây. Lần đầu tôi nghe đến món ốc móng tay, khá tò mò nên vừa gọi thử. Sốt chấm ở đây cũng thú vị, có đến hai loại. Có thể điều này bình thường với người địa phương, nhưng với khách du lịch như tôi, đây là những trải nghiệm ẩm thực hay ho", Rachel nói.
Thời gian mở cửa của quán cũng khiến nữ du khách quyết định đến thử. Rachel chưa từng đến nơi nào có hàng quán bán ốc vào bữa sáng. "Chắc ăn ốc buổi sáng chỉ có ở Việt Nam", cô nói.
Iuri, người bạn đi cùng Rachel chia sẻ anh chưa từng ăn ốc và gọi bốn loại qua ảnh. Anh nhận xét hương vị món ăn được "nêm nếm khá đậm đà, nước chấm cay so với khẩu vị nhưng làm át đi mùi tanh của món ăn". Chỗ ngồi ăn nhỏ, nhiều xe qua lại hơi ồn, nhưng anh không thấy phiền vì trước khi đến Việt Nam đã tìm hiểu trước về cuộc sống địa phương và xem qua đoạn phim giới thiệu về quán ốc này.
Theo lời chủ quán, sau dịch khách không còn phải xếp hàng đợi bàn trống, nhưng bàn kín liên tục, ốc bán ngày nào hết ngày đó. Bà Phượng chỉ bán hàng từ 9 đến 13h, thỉnh thoảng mở muộn hơn đến 14-15h. Ngoài khách quen sống gần con hẻm, nhiều khách tìm đến quán bà Phượng phần vì sức ảnh hưởng trên mạng xã hội, phần vì tò mò về giờ bán ốc khác lạ.
Chị Nguyễn Thị Bích Ngân, 41 tuổi, sống ở quận 8, chia sẻ biết đến quán ốc qua một lần lướt Tik Tok. Đây là lần đầu tiên chị Ngân thử ăn ốc buổi sáng. Vì làm việc giờ tự do nên chị mới có thể ra ngoài lúc 9h để ăn.
"So với quán khác, ở đây cũng bán các loại ốc phổ biến như ốc len, sò lông, ốc móng tay, nghêu... Tôi gọi ốc dừa luộc muối và ốc ngựa xào muối, hết 70.000 đồng. Lượng ốc nhiều nhưng con ốc hơi bé", chị Ngân nhận xét.
Những ngày đầu mở cửa vào năm 1998, quán chỉ chuyên bán ốc len xào dừa. Sau này nhiều khách hơn, bà Phượng nhập thêm loại ốc khác và học thêm nhiều kiểu chế biến như xào bơ, xào tỏi, nướng sa tế, nướng phô mai. Tùy vào tình hình hàng ở chợ đầu mối, bà Phượng nhập loại ốc phù hợp. "Hiện ốc tỏi và sò dương đang tăng giá nên tôi không nhập bán. Các loại cơ bản như ốc hương, ốc len, ốc dừa, ốc ngựa, chem chép, sò điệp, sò mai, nghêu, vẫn có hàng ngày", bà Phượng nói.
Làm không ngơi tay, bà chủ tiệm ốc nhỏ vẫn niềm nở trò chuyện, đón khách. Tiệm ốc núp hẻm là nguồn thu nhập chính của cả gia đình, giúp bà Phượng nuôi nấng con trai hoàn thành gần xong 4 năm đại học. Chưa biết khi nào mới đủ tiền mở mặt bằng mới, nhưng bà Phượng thấy vui và hài lòng với cuộc sống hiện tại.
Bích Phương
Ảnh: Quỳnh Trần