Ông Trần Nhơn: "Hồi còn làm thứ trưởng tôi cũng nhận phong bì nhưng chỉ mang tính chất bồi dưỡng khi đi kiểm tra công trình, khoảng vài nghìn đồng". Ảnh: V.P.
- Trên cương vị thứ trưởng Bộ Thủy lợi trước đây, ông từng trực tiếp phụ trách xây dựng nhiều công trình thủy lợi sử dụng vốn ODA và ngân sách. Vậy việc quản lý vốn thời đó được thực hiện như thế nào?- Bộ Tài chính được Nhà nước giao cho quản lý vốn ngân sách cấp phát kể cả vốn ODA và từ nguồn vốn vay trái phiếu để đưa vào xây dựng các công trình xây dựng cơ bản như giao thông, thủy lợi… Để thực hiện chức năng đó, vào những năm 1990, Bộ Tài chính có Tổng Cục Đầu tư và Phát triển để giúp Bộ quản lý chặt chẽ khâu này. Ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều có các Cục Đầu tư và Phát triển bám sát từng công trình. Có thể nói mọi việc chi tiêu sử dụng kinh phí của các PMU và các tổ chức tương tự không thể qua mắt được Cục Đầu tư và Phát triển, vì họ trực tiếp theo dõi, kiểm tra và cấp phát vốn thanh toán các khổi lượng công trình.
Từ những năm 2000 đến nay, Tổng cục Đầu tư và Phát triển và các Cục Đầu tư và Phát triển ở các địa phương được giải thể, các chức năng của cơ quan này được chuyển giao cho Kho Bạc Nhà nước và việc theo dõi kiểm tra, thanh toán đối với các công trình xây dựng cơ bản vẫn được tiến hành một cách chặt chẽ.
- Có ý kiến cho rằng tài liệu được phù phép còn kho bạc lại ở xa thì cán bộ không kiểm soát nổi. Ông nghĩ sao?
- Việc theo dõi kiểm tra thanh toán đối với các công trình xây dựng cơ bản được tiến hành rất chặt chẽ. Chẳng hạn, công trình thủy lợi – thủy điện Cửa Đạt tại tỉnh Thanh Hóa, Kho Bạc tỉnh đã cử 2 cán bộ gồm 1 phó phòng và 1 chuyên viên trực tiếp theo dõi kiểm tra để cấp phát ngân sách (vốn vay trái phiếu) cho phần vốn thủy lợi của công trình. Tất cả mọi hoạt động về tài chính sử dụng vốn cấp phát không thể qua mặt 2 cán bộ kho bạc này.
- Vậy ông có nhận xét gì về cơ chế quản lý tài chính đối với các công trình sử dụng vốn ODA như hiện nay ?
- Trong quá trình nhiều chục năm “đối mặt” với các cán bộ ngành tài chính và ngân hàng tôi rút ra một điều: Cơ chế quản lý tài chính, quản lý vốn ngân sách, vốn ODA là rất chặt chẽ, và thường là quá chặt chẽ đến mức gây phiền hà cho các cơ quan chủ quản. Vì vậy có thể nói, nếu không có tiêu cực thì không thể thất thoát dù chỉ một đồng tiền vốn của Nhà nước.
Tôi còn rút ra một điều nữa là dù khi còn là lãnh đạo ở Sở hay về sau lên lãnh đạo Bộ thì mình cũng chỉ là “long trọng viên” để ký tên đóng dấu vào các văn bản có liên quan đến vấn đề tài chính của các công trình để hoàn thành hồ sơ mà thôi. Còn tất cả nội dung đều do cơ quan theo dõi kiểm tra, giám sát của ngành tài chính (thời gian những năm 1990 trở về trước là cơ quan “Ngân hàng kiến thiết” do ngành ngân hàng quản) cùng với các A và B soi xét rất kỹ trình lên. B không thể qua mặt được A, còn A không thể qua mặt được cơ quan theo dõi, giám sát của ngân hàng, tài chính, vì họ là người trực tiếp theo dõi kiểm tra để cấp phát vốn thanh toán khối lượng công trình.
Cơ quan tài chính của Bộ chủ quản chỉ quản lý vốn sự nghiệp, mua sắm của bộ còn các dự án sử dụng vốn ngân sách, chi xây dựng cơ bản hoàn toàn do Bộ Tài chính giám sát.
- Với những tiêu cực như tại PMU 18, theo ông trách nhiệm sẽ thuộc về những bộ, ngành nào?
- Theo quy định hiện hành, nếu phân bổ nguồn vốn ngân sách, vốn ODA sai hoặc không đúng địa chỉ thì Bộ Kế hoạch Đầu tư phải chịu trách nhiệm. Nếu để chất lượng quy hoạch, thiết kế, thi công, quản lý vận hành tồi thì cơ quan chủ quản phải chịu trách nhiệm. Còn Bộ Tài chính phải chịu trách nhiệm chính về việc quản lý tài chính yếu kém hoặc buông lỏng quản lý để đồng vốn thất thoát hay sử dụng không đúng mục đích, đặc biệt là trong quá trình thi công xây dựng công trình.
Việt Phong thực hiện