Phát biểu tại tọa đàm doanh nghiệp Á - Âu (ASEM) sáng 6/5 tại TP HCM, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhìn nhận: "Các doanh nghiệp châu Âu có khả năng về tài chính, thế mạnh về công nghệ và kinh nghiệm trong quản lý. Việc đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp khu vực này và trong khối ASEM sẽ giải quyết được một loạt thách thức hiện nay như an ninh, lương thực, phát triển bền vững và biến đổi môi trường khí hậu".
Nhận định của đại diện Kotra tại TP HCM Shin Nam Shik cho rằng, cả 2 khối châu Á - EU cần hợp tác trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi. Trong đó, doanh nghiệp châu Âu chuyển giao công nghệ cho châu Á. Phía các doanh nghiệp châu Á cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp châu Âu hoạt động hiệu quả, đặc biệt đẩy mạnh ngành công nghiệp phụ trợ để thu hút nhiều hơn đầu tư từ các các doanh nghiệp khối EU.
Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và EU cần được đẩy mạnh hơn. Ảnh: T.A. |
ASEM đóng vai trò khá quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động đầu tư của Việt Nam. Hiện có 33 nền kinh tế thành viên của khối ASEM đang đầu tư tại Việt Nam với 5.851 dự án, chiếm 60% số lượng dự án và 62% lượng vốn FDI đăng ký đầu tư tại Việt Nam. Theo Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Thị Bích Vân, hiện có đến 20 trong số 27 nước EU tham gia đầu tư ở Việt Nam với 798 dự án, đạt vốn đăng ký là 11,8 tỷ USD, chủ yếu tập trung vào các ngành dầu khí, điện nước, xây dựng kết cấu hạ tầng, chế biến nông sản thực phẩm công nghệ cao.
Ngoài ra, một số lĩnh vực như đóng tàu, gia công hàng dệt may, sản xuất chế biến sữa, đồ uống, rượu, bia, nước giải khát, dược phẩm, dụng cụ y tế, thực phẩm cao cấp, ngân hàng, bảo hiểm cũng đang được các doanh nghiệp EU đẩy mạnh trong thời gian gần đây. Theo Đại sứ Anh tại Việt Nam Mark Kent, trong tình hình suy thoái kinh tế và khủng hoảng tài chính hiện nay, các doanh nghiệp của Anh vẫn xem Việt Nam là một điểm đầu tư cần hướng đến.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam và EU vẫn chưa thực sự được đẩy mạnh.
"Cần thiết phải tiến hành nhanh việc ký kết các hiệp định thương mại tự do với EU. Khi đó, hàng hóa Việt Nam xuất vào EU mới được hưởng các ưu đãi về quy định thuế quan, các quy tắc thương mại", Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Lê Quốc Ân đề xuất.
TS. Nguyễn Chí Tâm, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - Bộ Công thương, cho rằng, Việt Nam và các nước ASEM cần tăng cường trao đổi để đưa ra những quan điểm hợp lý hơn về thuận lợi hoá thương mại, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái hiện nay. Vừa qua, không ít quốc gia đã dựng lên một số rào cản để bảo hộ thương mại. Việt Nam và ASEM cần có đối thoại để tăng cường khuyến khích sự phát triển.
Trong 9 năm qua, quan hệ trao đổi thương mại giữa Việt Nam với EU đạt mức độ tăng trưởng khá với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 76 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang EU 50,4 tỷ USD và nhập từ EU 26,1 tỷ USD với hàng hóa nhập khẩu chủ yếu là máy móc thiết bị, sản phẩm tân dược, nguyên phụ liệu cho dệt may và giày da, sắt thép, phân bón.
Tần Vy